Ngày 17/12, tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, d0 Sở Y tế TPHCM và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, “Chuyển đổi số để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn” là thông điệp của ngành y tế TP.HCM trong năm 2023.
Theo đó, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, thứ nhất, chuyển đổi số để người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Người dân dễ dàng tương tác với ngành y tế để phản ánh và được hướng dẫn. Người dân dễ dàng quản lý được sức khỏe của mình với sự kết nối và liên thông các dữ liệu sức khỏe với các cơ sở khám, chữa bệnh. Mỗi người dân đều được lập hồ sơ sức khỏe điện tử.
|
Ảnh minh họa: vov.vn |
Thứ 2, chuyển đổi số để thầy thuốc dễ dàng tiếp cận được các kiến thức khoa học mới, kỹ thuật mới. Thầy thuốc giảm thiểu được các nguy cơ sai sót ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn cho người bệnh; giảm bớt được các thủ tục hành chính, giấy tờ trong bệnh viện. Bác sĩ tuyến dưới có thể kết nối dễ dàng với tuyến trên để hội chẩn và được tư vấn; hướng đến mỗi bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh đều lập hồ sơ bệnh án điện tử, và các dữ liệu bệnh án điện tử phải được kết nối và liên thông với nhau giữa các cơ sở khám, chữa bệnh.
Thứ 3, chuyển đổi số để nhà quản lý y tế triển khai hiệu quả công tác điều phối, giám sát, cảnh báo, dự báo đối với các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế và triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Rất nhiều ứng dụng giúp cho các nhà quản lý bệnh viện, quản lý cơ sở y tế triển khai hoạt động giám sát sự tuân thủ các quy trình, các phác đồ điều trị của nhân viên y tế, triển khai các hoạt động hướng đến phục vụ bệnh nhân, phục vụ nhân viên ngày một tốt hơn.
Tuy nhiên, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho rằng, trên thực tế, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức khi triển khai hoạt động chuyển đổi số đối với các cơ sở y tế, khiến hiệu quả của chuyển đổi số tại các cơ sở y tế chưa rõ ràng, chưa đạt như sự mong đợi của hầu hết các nhà quản lý: Đó là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị còn thiếu và yếu do chưa được đầu tư đồng bộ; các quy định, quy trình nội bộ chưa thay đổi kịp để phù hợp với môi trường làm việc trên nền tảng số; tư duy chuyển đổi số mặc dù đã nâng cao hơn nhưng năng lực số chưa đáp ứng được yêu cầu về đổi mới sáng tạo.
|
Chuyển đổi số giúp công khai, minh bạch trong khám chữa bệnh, giúp quản lý người bệnh tốt hơn. |
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong năm 2023, ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ hưởng ứng và tham gia triển khai hiệu quả chủ đề của năm do UBND TP phát động là “nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”, do đó Chuyển đổi số llà một trong những giải pháp quan trọng và mang tính quyết định cho những mục tiêu ưu tiên mà TP đã chọn. Ngành Y tế thành phố cũng sẽ khởi động 2 hoạt động trọng tâm là: xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân TP và xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành y tế.
Bên cạnh việc tiếp tục kiến nghị những cơ chế chính sách giúp các cơ sở y tế thuận lợi hơn trong đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và nhân lực chuyên trách CNTT, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị mỗi cơ sở y tế phải tăng cường học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác chuyển đổi số của các đơn vị và nhất là kịp thời cập nhật các ứng dụng mới, hiệu quả giúp nhân viên y tế, người dân… thuận lợi hơn trong cung ứng và sử dụng các dịch vụ y tế, qua đó tuỳ điều kiện và khả năng kinh tế của mỗi đơn vị mà chọn lọc các vấn đề ưu tiên để triển khai.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý bệnh viện cần quan tâm nghiên cứu và chọn lọc những vấn đề ưu tiên theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về các can thiệp số giúp nâng cao năng lực hệ thống y tế (WHO guideline: recommendations on digital interventions for health system strengthening - World Health Organization 2019)./.