Mới đây, khi gặp gỡ làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Hàn Quốc, đoàn công tác của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số cảm nhận được những thay đổi lớn của lĩnh vực tài chính, ngân hàng ở Hàn Quốc nhờ sự lan toả của tài chính kỹ thuật số.
Thị trường thay đổi
Trong lĩnh vực ngân hàng, đã xuất hiện xu thế vừa hợp tác, vừa cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) và các công ty công nghệ tài chính Fintech và các kỳ lân công nghệ Bigtech. Trong khi các doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng tập khách hàng xã hội rộng lớn của mình thì các TCTD cũng nỗ lực đổi mới công nghệ để tham gia thị trường dịch vụ tài chính tài chính đầy tiềm năng bằng việc tăng cường hợp tác với các Bigtech và Fintech cũng như phát triển nền tảng công nghệ riêng của mình dựa trên sức mạnh tài chính vốn có và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ít nhất thì cũng đã có tới 3 ngân hàng số thuần túy, hoạt động hoàn toàn trên nền tảng công nghệ số, không có bất kỳ chi nhánh, phòng giao dịch mà ở Hàn Quốc họ gọi là ngân hàng internet-only được phát triển lên từ các Fintech và mạng xã hội. Ngân hàng internet-only Toss từng là tổ chức trung gian thanh toán có tiếng từ năm 2015, sau đó có thêm Toss chứng khoán và dần hình thành hệ sinh thái dịch vụ tài chính tổng hợp trên siêu ứng dụng Toss super app. Ngân hàng internet-only Kakao cũng phát triển lên từ nền tảng Kakao Talk, một trong những mạng xã hội rộng rãi nhất ở Hàn Quốc với trên 50 triệu người dùng với 3 công ty cùng hệ sinh thái về thanh toán, chứng khoán và ngân hàng.
Tầm nhìn thay đổi
Các ngân hàng truyền thống có thế mạnh là có hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch nên có thể cung cấp dịch vụ tài chính, tín dụng cho khách hàng cả online và offline (kết hợp digital và analog: digilog) với cơ sở dữ liệu tín dụng đã tích lũy nhiều năm của khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Tại các điểm giao dịch số thử nghiệm có sử dụng công nghệ Metaverse (vũ trụ ảo) tư vấn qua trí tuệ nhân tạo AI, hoặc tư vấn qua video với nhân viên ngân hàng nếu có nội dung chưa rõ. Ngược lại, các Fintech có khả năng thấu hiểu khách hàng sâu sắc nhờ ứng dụng những thành tựu công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo, big data, cloud, blockchain, học máy, deep learning… nên có thể đưa ra quyết định trong vài giây thay vì quy trình truyền thống vài ngày để phục vụ khách hàng sao cho nhanh nhất, chu đáo nhất, hiệu lực, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghệ bị hạn chế khá nhiều do các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật khá khắt khe, nhiều hạn chế và chậm được sửa đổi, bổ sung.
Hiện nay, chiến lược chuyển đổi số lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Hàn Quốc tập trung vào tăng cường khả năng cạnh tranh của các nền tảng dịch vụ tài chính và mở rộng mạng lưới các điểm dịch vụ kỹ thuật số. Các ngân hàng truyền thống đang tăng cường khả năng cạnh tranh với các Fintech, Bigtech qua phát triển các siêu ứng dụng trên nền điện thoại di động thông minh giống như các ngân hàng internet-only, với nhiều tính năng, dịch vụ tài chính, thậm chí là phi tài chính được tích hợp, tối đa hóa tiện lợi, thân thiện với mọi đối tượng khách hàng, đáp ứng ngày càng rộng các nhu cầu của đời sống sinh hoạt của người dân. Những dịch vụ quá mới mẻ, chưa có quy định pháp luật cụ thể thì có thể xin phép sandbox.
Ví dụ như super app của Ngân hàng Shinhan cung cấp dịch vụ gọi đồ ăn. Việc thực hiện nhiều dịch vụ phi tài chính kết hợp có thể đạt được cả mục tiêu thu thập dữ liệu phi tài chính, tài chính của khách hàng, đồng thời cung cấp dịch vụ tài chính cho cả người bán và người mua dịch vụ trên cơ sở thông tin tín dụng và mức độ tín nhiệm được xác định quan quá trình tương tác. Khi kết hợp các dịch vụ tiện ích này trên cùng một ứng dụng, Shinhan có thể giảm phí cho các đơn vị cung cấp hàng hóa và cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp cho họ. Người dùng có thể sử dụng nhiều phương thức thanh toán để được tích điểm thưởng và nhận nhiều ưu đãi từ ngân hàng bằng số điểm thưởng tích lũy được.
Hầu hết các ngân hàng lớn ở Hàn Quốc đều có các Fintech lab của mình và hỗ trợ vốn cho các start-up Fintech trong nghiên cứu, phát triển công nghệ số và sử dụng các thành quả này. Ví dụ như nhờ kết quả R&D về công nghệ mà Ngân hàng Shinhan đã có công nghệ nhận biết giọng nói để ra lệnh chuyển tiền hay điều khiển màn hình smartphone bằng ánh mắt để hỗ trợ người khuyết tật. Nhiều siêu ứng dụng trên nền di động cũng được các ngân hàng đơn giản hóa giao diện để người cao tuổi hay có hiểu biết giới hạn về công nghệ có thể sử dụng được.
Chính sách thay đổi
Có thể vì các ngân hàng lớn của Hàn Quốc chưa thật khẩn trương trong chuyển đổi số, nên Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực hỗ trợ các Fintech và Techfin tham gia thị trường dịch vụ tài chính thông qua việc triển khai Open banking (open API) và chia sẻ dữ liệu qua MyData. Sau khi các Fintech và Techfin khai phá thị trường, các TCTD bắt buộc phải thay đổi để bắt kịp với xu hướng mới này, dẫn đến sự bùng nổ chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Chính vì lẽ đó, Hàn Quốc đã ban hành Luật về ngân hàng số (internet-only), cho phép các doanh nghiệp Fintech có thể nắm giữ tối đa 34% cổ phần trong ngân hàng số, các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox trong lĩnh vực ngân hàng, Fintech và đặc biệt là nền tảng Open Banking (2019) và cơ sở dữ liệu mở MyData (2022) đã cho phép chia sẻ thông tin tài chính, tín dụng, ngân hàng phân tán ở nhiều nguồn khác nhau.
Việt Nam đã có “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” từ năm 2020 với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Vấn đề là cần sớm hình thành cơ sở pháp lý hoàn chỉnh không chỉ cho sandbox trong lĩnh vực tài chính số mà cho chuyển đổi số ngành ngân hàng nói chung.
Thế giới đang thay đổi nhanh nhờ có công nghệ và kinh nghiệm đi trước của Hàn Quốc rất đáng suy ngẫm không chỉ đối với các doanh nghiệp mà cả đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, tham mưu, hoạch định chính sách chuyển đổi số quốc gia, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng./.
TS. Trần Văn - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội