|
Đồi chè Thanh Chương |
Nghệ An “có gì” để phát triển du lịch xanh?
Nếu như ở phía Đông Nam của Nghệ An là một dải đồng bằng thoai thoải nằm cạnh con sông Lam như dải lụa mềm vắt ngang vai, và đổ về biển Cửa Lò quanh năm sóng vỗ lên bờ cát mịn màng mát lạnh, thì phía Tây Nghệ An lại là một địa hình đồi núi cực kì trữ tình, thơ mộng, ẩn dấu trong đó hòn ngọc thiên nhiên đang chờ được khám phá. Nghệ An, với lợi thế khó có tỉnh nào có được như vừa có đồng bằng, biển, có sông, có núi rừng, có trung du và cả đỉnh núi quanh năm băng tuyết – không thua kém nóc nhà Đông dương Fanxipan.
Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, bảo vệ môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững và có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Đây chính là những “nền móng” vững chắc để phát triển du lịch xanh – phát triển bền vững.
Tài nguyên tự nhiên phong phú đa dạng bao gồm hải đảo, sông ngòi, rừng, núi, hang động còn giữ được vẻ hoang sơ, rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển, thể thao, leo núi…Tiêu biểu là hệ thống rừng nguyên sinh Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt ở khu vực phía Tây Nghệ An. Hệ thống hang động núi đá vôi tương đối phong phú, có nhiều hang động nổi tiếng được thiên nhiên kiến tạo độc đáo và gắn với các phát hiện về di tích khảo cổ tại các hang động này như: hang Thẩm Ồm, hang Bua, hang Thẩm Chạng, hang Cỏ Ngùn (Quỳ Châu), hang Poòng (Quỳ Hợp)… Hệ thống thác nước do cấu tạo địa hình phức tạp, có nhiều núi cao, vực sâu nên đã hình thành nên nhiều loại thác nước khác nhau ở miền Tây Nghệ An như: thác Khe Kèm (nằm trong vườn quốc gia Pù Mát), thác Xao Va, thác Bảy tầng, thác Ba Cảnh (Quế Phong), thác Đũa (Quỳ Châu)…
Vườn Quốc gia Pù Mát vốn được biết đến là “trái tim” của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nằm ở sườn Đông của dãy Trường Sơn với diện tích hơn 94.750ha, địa phận trải dài khắp 3 huyện vùng cao Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, phía Tây tiếp giáp biên giới Việt – Lào. Vườn Quốc gia Pù Mát hội tụ cùng lúc tài nguyên nhân văn, sinh thái, cảnh quan thiên nhiên lẫn tính đa dạng sinh học hiếm nơi nào có được. Đặc biệt hơn, trong vùng đệm Vườn Quốc gia hiện diện hàng loạt di tích độc đáo như thành Trà Lân, bia Ma Nhai, cây đa Côn Chùa (huyện Con Cuông), đền Vạn (huyện Tương Dương), đền Cửa Lũy, đền thờ Lý Nhật Quang, nghĩa Trang Việt – Lào (huyện Anh Sơn)… những địa danh này hoàn toàn có thể kết hợp, xây dựng thành các điểm tham quan, du lịch, các tour tuyến có tính kết nối.
|
Thác Khe Kèm – Vườn quốc gia Pù Mát |
Thác Khe Kèm được ví như món quà mà thiên nhiên ban tặng cho Vườn quốc gia Pù Mát. Nơi đây được các nhà khoa học khẳng định là thác nước hoang sơ bậc nhất của Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung bởi chưa có sự tác động của bàn tay con người. Thác Khe Kèm có độ cao hơn 500m, độ dốc 80%, đứng từ dưới chân thác, bạn sẽ được chiêm ngưỡng dòng nước chảy vô cùng mạnh mẽ và uyển chuyển tựa như một dải lụa trắng giữa núi rừng thiên nhiên. Bao bọc xung quanh thác là thảm thực vật đa dạng, phong phú, với hàng trăm loài hoa rừng đua nhau khoe sắc, tựa như chốn tiên cảnh.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt lại nổi danh là khu dự trữ sinh quyển phong phú bậc nhất của cả nước. Tại đây đang sở hữu quần thể thác nước 7 tầng khiến ai từng một lần đến sẽ khó mà cưỡng lại được thắng cảnh thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Ngọn thác này bắt nguồn từ Lào, chảy vắt qua khu rừng nguyên sinh thuộc Vườn quốc gia Pù Hoạt trước khi tạo ra vẻ đẹp kỳ thú mê hoặc. Tại thác 7 tầng, mỗi tầng thác như một nốt nhạc trong khung nhạc khổng lồ. Qua hàng ngàn năm, những đứt gãy của địa chất đã góp phần tạo nên nét độc đáo của dòng thác. Những khối đá đã bị dòng nước bào mòn phẳng lỳ khiến khung cảnh trở nên hấp dẫn
Nếu là một người yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ nhưng không kém phần nên thơ lãng mạn thì khu du lịch sinh thái Phà Lài chính là một trong những gợi ý tuyệt vời dành cho các du khách. Nơi đây nổi tiếng với phong cảnh sơn thủy hữu tình, nằm giữa đập Phà Lài và dòng sông Giăng thơ mộng. Ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, đến với Phà Lài, bạn còn có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn như đi xuồng máy, chèo thuyền kayak, trượt zipline đôi, khám phá ẩm thực dân tộc Thái,…
Một quần thể săng lẻ vô cùng độc đáo, được mệnh danh là cánh rừng đẹp nhất Đông Dương mà bất cứ ai đi qua cũng phải dừng chân để chiêm ngưỡng. Những cây săng lẻ ở đây có thân cao đến 40m, thân cây màu trắng, được bàn tay tạo hóa xếp đặt trên diện tích gần 250ha, hình thành nên một không gian xanh, đẹp đến ngỡ ngàng. Rừng săng lẻ đã là niềm tự hào, biểu tượng, là điểm đến du lịch đáng chú ý tại Tương Dương. Rừng cây bản địa trở thành điểm nhấn du lịch sinh thái xanh quan trọng bên cạnh những di tích, danh thắng sẵn có như Hang Bua, Thẩm Ồm, Thẩm Chàng, bản Thái cổ Hoa Tiến, Khe Bàn, Khe Mị…
Kết nối du lịch "xanh"
Du lịch xanh là một loại hình du lịch sinh thái khám phá, tận hưởng thiên nhiên với những gì sẵn có. Phát triển du lịch theo hướng “xanh” sẽ giảm thiểu những tác động tiêu cực lên môi trường sống tự nhiên, giúp cho ngành du lịch phát triển bền vững trong tương lai.
|
Ông Nguyễn Văn Nam chia sẻ về tiềm năng du lịch xanh tại Nghệ An. |
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An, để thực hiện điều này, sản phẩm du lịch phải đáp ứng các tiêu chí “xanh”, bao gồm: Doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh. Nghệ An hướng tới một nền du lịch xanh - bền vững. Bên cạnh đó, để “xanh” chạm tới được những người yêu du lịch và yêu thiên nhiên, Nghệ An đang từng bước số hoá các thông tin du lịch có thể tiếp cận khách hàng mục tiêu nhanh và chuẩn xác nhất.
Nghệ An sẽ chú trọng đến bảo vệ chất lượng nước, không khí, đất; bảo vệ hệ sinh thái rừng, ven biển và cửa sông, bảo vệ môi trường đô thị và các khu du lịch, nhằm tạo cảnh quan, cải thiện khí hậu khu vực và hướng đến một nền du lịch xanh - bền vững. Tạo tăng trưởng xanh cho du lịch, Nghệ An đã vẽ sẵn “phác đồ” để đạt mục tiêu này thông qua Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 tại Quyết định số 1439 QĐ.UBND.
Theo đó, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Đến năm 2035 Nghệ An sẽ trở thành một điểm đến của du lịch Châu Á và thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10 - 12%...
Phát triển du lịch bền vững
Cũng theo quy hoạch, địa phương sẽ phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái cộng đồng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, để tạo được xu thế phát triển tăng trưởng xanh cho ngành du lịch, nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch, hạ tầng cơ sở, chuyển đổi số… cũng phải hình thành mở lối đi trước.
|
Rừng Săng lẻ Tương Dương - Ảnh Internet. |
Mục tiêu làm sao để giữ chân và quay lại nhiều lần của du khách thập phương khi đến với Nghệ An. Nghệ An cần phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, làm mới các dòng sản phẩm chủ đạo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phù hợp với từng phân khúc thị trường.
Nghệ An còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị như văn học dân gian, âm nhạc dân gian, múa dân gian, các phong tục, tập quán, lễ hội, văn hóa ẩm thực, làng nghề truyền thống… Đó là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá có khả năng tạo ra các sản phẩm du lịch xanh – bền vững hấp dẫn. Từ thực tế nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, kết hợp với nguồn tài nguyên nhân văn mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam gắn liền với cuộc sống của người bản địa như vậy cho thấy Nghệ An có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh giúp bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động không tốt của ngành công nghiệp du lịch truyền thống lên môi trường xung quanh. Việc áp dụng chính sách phát triển du lịch xanh sẽ giúp Nghệ An phát triển kinh tế một cách bền vững, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống và những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đồng thời, giáo dục cả du khách và người dân tại địa phương trong việc nhận thức cũng như trân trọng văn hóa, môi trường tại tỉnh, giúp họ có ý thức giữ gìn cho thế hệ sau./.