Bài 3: Bồi dưỡng nguồn nhân lực: Chìa khóa để chuyển đổi số thành công

Thứ năm, 17/11/2022 16:39
(ĐCSVN) - Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ được cho là phương tiện còn con người là yếu tố quyết định sự thành công. Nhận thức rõ điều đó, ngoài hoàn thiện hạ tầng, công nghệ, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến nguồn “nhân lực số”, cùng với việc hình thành nên thói quen, thay đổi nhận thức của người dân để bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số.

Các chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực số là yếu tố then chốt trong việc xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số để dẫn dắt, tổ chức, lan tỏa tiến trình chuyển đổi số góp phần bảo đảm công cuộc chuyển đổi số địa phương một cách nhanh, hiệu quả, bền vững và thành công. Theo đó, đào tạo nhân lực chuyển đổi số không chỉ là việc dạy cách làm chủ công nghệ, máy móc mà còn phải giúp họ thay đổi cả tư duy, hiểu đúng về giá trị của con người trong từng khâu chuyển đổi số của tổ chức. Điều này quan trọng với cả những người lao động phổ thông đến cấp quản lý, lãnh đạo.

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm, bởi quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ hội số vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả; kinh tế số chỉ chiếm tỷ trọng thấp; hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông có mặt còn bất cập, có sự thiếu đồng bộ; các hệ thống thông tin vẫn thiếu dữ liệu, nền tảng dùng chung... Đặc biệt, tỉnh đang thiếu nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao; kỹ năng số của cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh về thực trạng nguồn nhân lực tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), số cán bộ công chức viên chức cấp xã; hợp đồng lao động tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có trình độ công nghệ thông tin là 807/37.077 người (tỷ lệ 2,17%). Con số này còn rất khiêm tốn so với lượng công việc đồ sộ của quá trình chuyển đổi số.

Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số (Nguồn: ITN)

Nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như những hạn chế về nhân lực trong thực hiện chuyển đổi số hiện nay của tỉnh, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ công chức viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thành thạo các ứng dụng của chính quyền số; trên 60% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng thành thạo các dịch vụ đô thị thông minh; 100% người dân có định danh số… Đến năm 2030, 100% cán bộ công chức viên chức cấp huyện, cấp xã xử lý công việc trên nền tảng số; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng các dịch vụ số đạt trên 90%...

Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh đã lên kế hoạch tổng thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ cho cán bộ công chức viên chức, người dân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin để phục vụ tiến trình chuyển đổi số. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu, lãnh đạo chuyên trách về công nghệ thông tin; cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước và đội ngũ làm công tác truyền thông; đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực quản trị hệ thống thông tin; tổ chức khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho cán bộ công chức viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị toàn tỉnh. Trong đó, trọng tâm là đổi mới và hiện đại hóa các cơ sở giáo dục để đào tạo nguồn “nhân lực số” ngay từ trên ghế nhà trường; gắn chặt với việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức và phát triển kỹ năng số trong các cơ quan nhà nước và trong khu vực tư nhân. Đồng thời, nhanh chóng nghiên cứu, tham mưu, ban hành và triển khai thực thi các cơ chế, chính sách tìm kiếm, thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin làm việc cho tỉnh.

Hiện nay, tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số, xã hội số cũng được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng (1.462 tổ công nghệ số cộng đồng địa phương, 11 tổ công nghệ số cộng đồng doanh nghiệp), với 11.255 thành viên, bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố. Nhiều cán bộ chuyên môn của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã được bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn sử dụng mã số, mã vạch, tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa và quản lý chất lượng sản phẩm, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua và bán trên các sàn thương mại điện tử cũng như sử dụng những nền tảng số của địa phương.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn người dân

đánh giá sự hài lòng bằng cách quét mã QR. (Ảnh: quangninh.gov.vn)

Nhằm phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trong triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, phục vụ triển khai quy định Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng kể từ ngày 01/01/2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh chỉ đạo các Tổ Công nghệ số Cộng đồng thuộc quyền quản lý tích cực, phối hợp với lực lượng Công an, nhất là Công an cấp xã trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các nội dung tuyên truyền về địa chỉ truy cập Cổng Dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh (tại địa chỉ https://dichvucong.quangninh.gov.vn), địa chỉ truy cập Cổng Dịch vụ công Quốc gia (tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn); đồng thời tăng cường hướng dẫn người dân các kỹ năng cơ bản khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn và vận động 100% người dân trên địa bàn đăng ký cấp CCCD gắn chíp; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) trên điện thoại thông minh để đăng ký tài khoản định danh điện tử cấp 2, góp phần “làm giàu”, “làm sạch” dữ liệu dân cư.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực số, tạo mắt xích quan trọng để xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trọng tâm là tổ chức các chuyên đề tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến xã. Thông qua các lớp tập huấn nhằm thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân, gắn với cuộc sống của người dân; tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn; giúp nhân dân sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản tương tác với chính quyền, tham gia phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và thực sự trở thành công dân số. 

Tỉnh cũng sẽ tổ chức triển khai chương trình “Học từ làm việc thực tế”, trong đó, cơ quan nhà nước là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong tỉnh để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp; tổ chức các chương trình thực tập ngắn hạn, thường xuyên để tăng cơ hội tiếp xúc nghề nghiệp cho sinh viên, từ đó định hướng tốt hơn cho công việc tương lai và bổ sung nguồn lực kỹ thuật cho doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh hướng đến tổ chức chương trình dạy và học về kỹ thuật số STEM/STEAM trong giáo dục tiểu học và phổ thông; chú trọng tập huấn, đào tạo giáo viên, trang thiết bị; đổi mới cập nhật chương trình đào tạo tin học, kỹ năng số tại các trường THCS, THPT để hình thành thói quen số, văn hóa số. Đồng thời, đổi mới, cập nhật chương trình dạy học; đào tạo chuyên sâu các công nghệ nổi bật, có tính ứng dụng cao tại Trường Đại học Hạ Long. Đồng thời, xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng số kết nối các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để thúc đẩy học từ làm việc thực tế, đào tạo và đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động, kết nối cung cầu thị trường lao động; ưu tiên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đột phá và các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp quan trọng.

Từ thực tế triển khai chuyển đổi số cho thấy, con người là yếu tố quyết định cho quá trình chuyển đổi số và việc chuẩn bị nhân tố con người để sẵn sàng cho quá trình đổi số cần được đặt lên hàng đầu như chìa khóa của chuyển đổi số. Đặc biệt, trong tiến trình chuyển đổi số mà tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện, xây dựng nguồn "nhân lực số" và "công dân số" đáp ứng được yêu cầu của việc sáng tạo, quản trị, vận hành, khai thác hiệu quả các nền tảng số của tỉnh càng là yêu cầu được đặt ra cấp thiết./.

Khánh Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều