Bảo vệ người tiêu dùng trong nền kinh tế số

Thứ sáu, 04/11/2022 15:11
(ĐCSVN) - Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện luật, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ đối tượng yếu thế, bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử. Bên cạnh bảo vệ quyền lợi thì cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng.
Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và
Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). (Ảnh: ĐT)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Thảo luận tại tổ, các đại biểu đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với phạm vi sửa đổi của luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và các nội dung của Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) cho rằng việc sửa đổi Luật lần này sẽ khắc phục những vấn đề hạn chế, bất cập hiện hành, đồng thời để kịp thời nắm bắt và cập nhật theo kịp những diễn biến mới của thị trường như thị trường giao dịch điện tử hiện nay. Việt Nam là một trong những nước có sự phát triển về giao dịch thương mại điện tử đứng hàng đầu thế giới. Đại biểu chia sẻ, thời gian qua, không ít chuyện bi hài xảy ra do người tiêu dùng đặt hàng mua sản phẩm, mua hàng hóa, dịch vụ qua các sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, đây là vấn đề Luật hiện hành chưa có quy định nên phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. 

Cho ý kiến về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) cho biết, Khoản 1 Điều 77 quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật để bảo vệ người tiêu dùng và sản xuất, tiêu dùng bền vững tại địa phương. Theo đại biểu, quy định như dự thảo Luật được hiểu áp dụng chung cho cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã mà không chỉ ra được thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ban hành trong phạm vi nào thì sẽ khó khả thi.

Ngoài ra, đại biểu Lã Thanh Tân cũng đề nghị cân nhắc quy định quản lý hoạt động khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn để bảo đảm khả thi và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là nguồn lực của cấp huyện, cấp xã để tổ chức thực hiện trách nhiệm này.

Thảo luận tại tổ, một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán trên sàn thương mại điện tử, mua bán qua mạng cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định đảm bảo nguồn lực cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) đề nghị việc rà soát lại các giao dịch đặc thù thì ngoài việc căn cứ vào cách thức để giao dịch cũng cần rà soát lại những phương thức, cách thức giao dịch khác, đặc biệt là trách nhiệm của bên thứ ba có liên quan trong xu hướng giao dịch thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Đại biểu bày tỏ mong muốn các quy định về hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được cụ thể và rõ ràng hơn trong bối cảnh ngày càng nhiều giao dịch có yếu tố nước ngoài, nhiều hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam và người tiêu dùng Việt Nam cũng sử dụng các sản phẩm này.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) phát biểu tại tổ sáng 2/11. (Ảnh: ĐT)

Về nghĩa vụ của người tiêu dùng (Điều 16), đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) chỉ ra thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng đã lạm dụng quyền của mình để làm ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Ví dụ như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; một số cơ quan truyền thông đưa tin về việc khách hàng đến sử dụng các dịch vụ nhưng khi livestream trên mạng xã hội đưa tin không đúng, thậm chí là hạ bệ uy tín của đơn vị kinh doanh. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị, bên cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng để tránh những trường hợp như vậy. Cụ thể, bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và phải có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa những thông tin sai sự thật về sản phẩm.

Trao đổi, làm rõ về tính khả thi của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhất là các quy định mới, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (Đoàn Hải Phòng) cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nội hàm rộng được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật, từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành như Luật An toàn thực phẩm, Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa…. Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường theo hướng xác định rõ dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh dưới góc độ bảo vệ vị trí, yếu thế của người tiêu dùng.

Lý giải việc việc dự thảo Luật lần này bỏ đối tượng “tổ chức” ra khỏi khái niệm người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định người tiêu dùng, đối tượng vị trí yếu thế trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong khi đó, đối tượng tổ chức bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức không kinh doanh hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận về cơ bản đã có đầy đủ chức năng, năng lực để tự khắc phục vị trí, yếu thế của mình như có cơ cấu tổ chức, nguồn lực, tư vấn về pháp lý để giải quyết những vấn đề xảy ra tranh chấp. Mặt khác, hệ thống pháp luật dân sự, thương mại hiện hành đã có đầy đủ các quy định để bảo vệ đối tượng tổ chức trong quá trình thực hiện giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Kinh nghiệm các nước đều quy định khái niệm người tiêu dùng, cá nhân mua, sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (Đoàn Hải Phòng) làm rõ một số nội dung của dự thảo Luật. (Ảnh: ĐT)

Dự thảo Luật lần này cũng đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế. Theo đó đã bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng; phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số…

Cùng với đó, dự thảo Luật đã hoàn thiện, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện tối đa để khuyến khích phát huy hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cũng trong sáng nay, thảo luận tại tổ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Qua đó, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng.

Nhiều đại biểu cho rằng, quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ tin cậy như dự thảo Luật có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp và thiếu căn cứ khi thẩm định hồ sơ. Do đó, cần bổ sung các điều kiện kinh doanh, điều kiện cấp giấy phép chi tiết hơn đối với dịch vụ tin cậy…/.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực