Chiều 15/9, Đoàn công tác của Bộ Thông tin – Truyền thông do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBN
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng với việc xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2021 xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố cho thấy tỉnh Bạc Liêu còn rất nhiều việc cần làm đối với lĩnh vực này trong thời gian tới. Để theo kịp các tỉnh thành trong khu vực cũng như cả nước, Bạc Liêu cần khẩn trương triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp. Bộ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị các nhà mạng phải tiếp tục phát triển hạ tầng cáp quang để internet đến được với tất cả các hộ gia đình nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Về việc còn khoảng 30.000 hộ dân chưa có điện thoại thông minh, Bộ trưởng đề nghị lấy từ Chương trình máy tính cho em và các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ thêm để thực hiện việc này cho Bạc Liêu. Các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Bộ hỗ trợ ngay cho tỉnh Bạc Liêu về vấn đề phát triển chữ ký số; hỗ trợ cho tỉnh đánh giá cấp độ an toàn thông tin; tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo về nhân lực công nghệ số; triển khai, công bố nền tảng kỹ năng số cho người dân; hỗ trợ bộ chuyển đổi số cho hơn 2.000 doanh nghiệp của tỉnh Bạc Liêu.
|
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Bạc Liêu cần khẩn trương triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số. |
Đối với triển khai chính phủ số, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông đề nghị các cơ quan của Bộ và tỉnh phải quyết liệt thực hiện giải pháp cụ thể để nâng cao tỷ lệ hồ sơ, thủ tục giải quyết trực tuyến; triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả hệ thống tiếp nhận văn bản chỉ đạo trong toàn tỉnh. Bộ trưởng cũng lưu ý phát triển kinh tế số; xây dựng xã hội số, công dân số, doanh nghiệp số.
Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Thông tin – Truyền thông, bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án Phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư là 333 tỷ đồng cho 11 dự án thành phần, trong đó có 1 dự án Hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu thông minh (bao gồm xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh, Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng), 1 dự án về an ninh, an toàn thông minh và 9 dự án của các ngành. Tổng kinh phí dành cho triển khai nhiệm vụ, dự án ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022 dự kiến trên 40 tỷ đồng.
Tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh: năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 07 về chuyển đổi số tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, đã xác định mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 là chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa tỉnh Bạc Liêu trở thành địa phương có kết quả chuyển đổi số khá trong khu vực. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án phát triển Đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030; trước mắt ưu tiên triển khai xây dựng hạ tầng và nền tảng dữ liệu thông minh, trong đó bao gồm trung tâm Điều hành Đô thị thông minh, Hệ thống giám sát an toàn; nâng cấp hạ tầng thiết bị trung tâm dữ liệu tỉnh, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh liên thông với Trung ương; ưu tiên triển khai các Dự án thành phần như: quản lý chính quyền số, đô thị - giao thông - nông nghiệp - môi trường thông minh, an ninh - an toàn thông minh, y tế - giáo dục - du lịch thông minh...
Tính đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có cáp quang tới trung tâm xã và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng thông rộng; 100% số trường học, bệnh viện trong tỉnh có kết nối Internet băng thông rộng; tỷ lệ dân số được phủ sóng di động; số công chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện được trang bị máy tính phục vụ công việc chuyên môn và số cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã kết nối mạng nội bộ và Internet cũng đạt 100%. Hiện tỉnh có khoảng 22 phần mềm, hệ thống thông tin đang được sử dụng, khai thác tại các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được triển khai, kết nối thông suốt giữa 4 cấp, cơ bản phục vụ tốt các cuộc hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh.
|
Bạc Liêu kiến nghị Bộ Thông tin - Truyền thông quan tâm hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh; hỗ trợ tỉnh về tập huấn, tư vấn doanh nghiệp trong các chương trình tỉnh đang triển khai. |
Bà Trần Thị Lan Phương nhìn nhận những khó khăn là công tác tuyên truyền, phổ biến nhận thức về chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chưa được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Điều này dẫn đến một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chưa hiểu rõ, chưa nhận thức đầy đủ hiệu quả của chuyển đổi số trong quản lý, điều hành; người dân và doanh nghiệp chưa tiếp cận và hiểu rõ lợi ích khi tham gia chuyển đổi số.
Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ Thông tin - Truyền thông quan tâm hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh; cung cấp dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước, đồng thời hỗ trợ tỉnh về tập huấn, tư vấn doanh nghiệp trong Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; Đề án Xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số./.