Gần 100% văn bản điện tử ký số ngành Tài nguyên môi trường

Thứ hai, 09/01/2023 14:25
(ĐCSVN) – Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã vận hành hệ thống hồ sơ điện tử phục vụ chỉ đạo điều hành, xử lý hồ sơ, ký số hoàn toàn trên môi trường mạng đảm bảo văn bản xử lý theo thời gian thực. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử của Bộ đã xử lý, giải quyết 301.500 văn bản đến, 69.400 hồ sơ, văn bản đi; tỷ lệ văn bản điện tử gắn ký số đạt xấp xỉ 100%.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2022 Bộ đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó hết năm 2022 hoàn thành ở 309/705 huyện với trên 43 triệu thửa đất và đưa vào sử dụng thường xuyên tại văn phòng đăng ký đất đai.

Ảnh minh họa: Bích Liên 

Bộ TN&MT đã kết nối chia sẻ 18 trường thông tin cho 56/63 tỉnh thành; 309 đơn vị cấp huyện; 4.267 đơn vị cấp xã với hơn 24 triệu thửa đất và số lượng kết nối đang tiếp tục tăng. Bộ TN&MT cũng đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam rà soát, cập nhật, quản lý dữ liệu đất đai, nhà ở, địa chỉ... kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ cũng vận hành hệ thống hồ sơ điện tử phục vụ chỉ đạo điều hành, xử lý hồ sơ, ký số hoàn toàn trên môi trường mạng đảm bảo văn bản xử lý theo thời gian thực (không còn tồn tại tình trạng lấy số trước). Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ điện tử của Bộ đã xử lý, giải quyết 301.500 văn bản đến, 69.400 hồ sơ, văn bản đi; tỷ lệ văn bản điện tử gắn ký số đạt xấp xỉ 100%.

Trong khi đó, ngày 1/7/2021, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng được vận hành với 17 trường thông tin của 98,7 triệu công dân được số hóa. Đây được xem là dữ liệu gốc, một trong các tài nguyên số của quốc gia.

Từ cơ sở dữ liệu quan trọng này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, đồng thời đã triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) có gắn chip điện tử với nhiều ưu điểm nổi bật cho công dân.

Việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai sẽ giúp người dân tra cứu được các thông tin về đất đai; cơ quan nhà nước quản lý được các biến động về dân cư và đất đai trên môi trường điện tử. Đó là những dữ liệu đầy đủ, sống, sạch phục vụ quản lý, người dân và an ninh quốc gia. Trong bối cảnh Luật Cư trú có hiệu lực vào ngày 1/1 tới đây, việc liên kết hai cơ sở dữ liệu này sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

Báo cáo cho biết, đến năm 2023 sẽ xây dựng hệ thống hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu, tập trung, thống nhất, bảo đảm hỗ trợ nghiệp vụ quản lý đất đai và giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tới tháng 6/2023 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai của 454/705 huyện tại các địa bàn đông dân, đến hết năm 2023 đạt 550 huyện./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều