Bộ Công Thương thúc đẩy ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp

Thứ năm, 08/09/2022 17:50
(ĐCSVN) – Thực tế chỉ ra rằng, doanh nghiệp nào ứng dụng sớm nền tảng số vào sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp đó sẽ nâng cao được lợi thế cạnh tranh và tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp.

Khả năng chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế

Theo Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) năm 2021 về thực trạng chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã thực sự coi chuyển đổi số là quá trình tất yếu để mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn, chuyên nghiệp hơn và gia tăng năng suất lao động cũng như xây dựng chân kiềng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Nhìn chung, hạ tầng phần cứng trong các doanh nghiệp lớn hiện nay đáp ứng khá tốt nhu cầu của quá trình số hóa doanh nghiệp, đồng thời hiểu rõ viễn cảnh tương lai của ngành và doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Thời gian qua, một số tập đoàn, tổng công ty ở một số ngành như điện lực, dầu khí, dệt may, bia, rượu, nước giải khát… đã có mức độ ứng dụng công nghệ tiên tiến ở mức cao, tiệm cận với các công nghệ của CMCN 4.0.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Công Thương, mức độ sẵn sàng với cuộc CMCN 4.0 của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang ở mức thấp với điểm trung bình toàn ngành là 0,53/5. Năng lực tiếp cận hạn chế ở cả sáu trụ cột, gồm: Chiến lược và Tổ chức; Nhà máy thông minh; Vận hành thông minh; Dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu; Sản phẩm thông minh và Người lao động. Bên cạnh việc thiếu một chiến lược phát triển phù hợp với bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, khả năng chuyển đổi số của các doanh nghiệp cũng đang bị hạn chế bởi những vấn đề có tính chất hết sức cơ bản mà ngay cả doanh nghiệp cũng chưa nhận thức hết được như: khả năng số hóa dữ liệu trong doanh nghiệp chưa cao, mức độ ứng dụng các công nghệ chủ yếu từ cuộc CMCN 4.0 của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn rất thấp, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay chưa trang bị những kỹ năng đầy đủ cho người lao động để làm việc trong một nhà máy thông minh,...

Để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, những ưu tiên triển khai của Bộ Công Thương trong thời gian qua đã tập trung nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp khi tham gia vào cuộc CMCN 4.0. Ví dụ như  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo hiểu biết và nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với DN ngành Công Thương.

Bên cạnh đó, thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN về CMCN 4.0, hỗ trợ các DN thực hiện chuyển đổi số, xây dựng các mô hình thí điểm về nhà máy thông minh trong ngành Công Thương. Bộ Công Thương cũng đã chủ động lồng ghép triển khai các nhiệm vụ, dự án hỗ trợ DN trong các chương trình KH&CN hiện có của Bộ. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất trong bối cảnh và yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số ở doanh nghiệp

Trong giai đoạn tới, để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực, ngành Công Thương sẽ triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ tập trung theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh.

leftcenterrightdel
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hòa 

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hòa, trước hết sẽ tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, nâng cấp công nghệ cho doanh nghiệp; tạo nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, từ đó tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận thị trường từ các hiệp định thương mại, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ, thiết lập các yếu tố nền tảng cho quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Tập trung xây dựng và triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Bộ gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Trong đó, ưu tiên triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương ứng dụng công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 và thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, triển khai kết nối các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Bộ với hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trong ngành.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tăng cường nâng cao năng lực, phát huy tiềm lực của các tổ chức khoa học và công nghệ trong ngành; nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư và hỗ trợ để phát huy tiềm lực, lợi thế của mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ chuyên ngành với bề dày kinh nghiệm, đội ngũ chuyên gia, cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao; đồng thời  khai thác hiệu quả các phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm tại các viện nghiên cứu, trường đại học trực thuộc Bộ .

Ngoài ra, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương theo hướng hiện đại, tập trung vào kết quả thông qua việc đổi mới quy định về quản lý, đơn giản hóa quy trình thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao tính thống nhất, minh bạch. Tạo thuận lợi và khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức vào hoạt động khoa học và công nghệ của ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện cơ chế nhà nước đặt hàng./.

 

Mạnh Khang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều