|
Hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn. (Nguồn: baochinhphu.vn)
|
Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 21/4/2022 ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mục đích của kế hoạch là quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tạo chuyển biến, thống nhất về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương đối với công tác khí tượng thủy văn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, xác định, cụ thể hóa các nhiệm vụ chủ yếu, khả thi nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
6 nhiệm vụ trọng tâm
Tại Quyết định, Phó Thủ tướng phân công các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm: 1- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn; 2- Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; 3- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; 4- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn; 5- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực dành cho công tác khí tượng thủy văn; 6- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan có liên quan đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực khí tượng thủy văn, xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thuỷ văn quốc gia tập trung, liên thông với cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường, cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống thiên tai và các cơ sở dữ liệu chung của quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khí tượng thủy văn.
Hướng tới làm chủ công nghệ mới
|
PGS. TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia trình bày bài đề dẫn và chủ trì hội thảo |
Tháng 7 vừa qua, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với Tạp chí Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số và công nghệ số trong lĩnh vực TN&MT phục vụ phát triển bền vững”. Trong đó, có 2 công trình nghiên cứu có tính thực tiễn mang tầm quốc tế, đó là Công trình nghiên cứu đề xuất phương pháp nâng cao năng lực dự báo mưa lũ của tác giả Nguyễn Hoàng Minh, Dự báo viên Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia. Nghiên cứu này đã đề xuất một phương pháp nâng cao năng lực dự báo mưa, lũ của một cặp mô hình khí tượng thủy văn bằng cách tạo ra lượng mưa tổ hợp kết hợp với lượng mưa dự báo dựa trên ra đa và sai số không gian của lượng mưa dự báo. Các kết quả nghiên cứu bước đầu đã và đang được thử nghiệm tại Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn trong dự báo, cảnh báo.
Bên cạnh đó là các báo cáo về: Ứng dụng công nghệ trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện của Viện nghiên cứu Quản lý đất đai. Định hướng áp dụng kỹ thuật số trong quản lý tài nguyên nước của Viện Khoa học Tài nguyên nước. Nghiên cứu ứng dụng GIS và viễn thám trong dự báo thu hẹp đất canh tác nông nghiệp do mực nước biển dâng tại khu vực tỉnh Thái Bình của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Trường Đại học Giao thông Vân tải. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong thành lập bản đồ độ sâu góp phần nâng cao tính tự động hóa trong thành lập bản đồ chuyên đề tỷ lệ lớn của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ và Học Viện kỹ thuật Quân sự.
Hội thảo đã tạo ra môi trường, cơ hội kết nối, hướng dẫn, cố vấn của các nhà nghiên cứu về tài nguyên môi trường, kinh tế môi trường nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước về ngành, hướng tới xây dựng đội ngũ các nghiên cứu viên có năng lực, tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hội thảo như một thông điệp kêu gọi các nhà khoa học trẻ tiếp tục cống hiến và đam mê với khoa học để tạo ra những công trình nghiên cứu đạt chuẩn chất lượng, tính ứng dụng thực tiễn cao.