Open Banking - tương lai của ngành Ngân hàng tại Việt Nam

Thứ sáu, 17/05/2024 23:14
(ĐCVN) - Ngân hàng mở - Open Banking đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Ứng dụng Open API không chỉ giới hạn trong lĩnh vực Open Banking mà mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế như Open Finance, Open Data.
 

Ngân hàng mở cho phép các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bên thứ ba được quyền truy cập thông tin dữ liệu Ngân hàng của khách hàng thông qua các giao diện chương trình ứng dụng mở (Open Application Programming Interface - Open API) được bảo mật. Thông qua giao diện Open API, hệ thống Ngân hàng có thể kết nối, cung cấp toàn bộ cho các chủ thể của nền kinh tế, không chỉ giới hạn trong ngành Fintech, tài chính mà còn đến các công ty bán lẻ, công ty dịch vụ logistic, từ đó cung cấp dịch vụ Ngân hàng cho toàn thể người dân. 

Ngày 18/02/2022, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 170/QĐ-NHNN thành lập Tổ Công tác của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 và Quyết định số 171/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 với nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ dịch vụ công, hoạt động nghiệp vụ của NHNN và của các Ngân hàng. Ngày 18/12/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ Ngân hàng. Các quy định trên có ý nghĩa quan trọng giúp tổ chức tín dụng (TCTD) nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tội phạm thuê, mượn, mua, bán tài khoản thanh toán, thẻ Ngân hàng, ví điện tử… sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.

Tuy nhiên, mô hình Open Banking hay Open API tại Việt Nam còn mang tính riêng lẻ, phần lớn do Ngân hàng và đối tác tự xây dựng dựa trên nhu cầu của nhau. Do đó, quá trình triển khai vẫn còn tồn tại 03 thách thức lớn mà nhà băng cần tháo gỡ để tự tin đi theo hướng Ngân hàng mở.

Thứ nhất, vấn đề quản trị dữ liệu. Khi kết nối liên thông liền mạch, quy trình quản lý, kiểm soát rủi ro dữ liệu là vấn đề hết sức đáng quan ngại.

Thứ hai, về an toàn bảo mật, có nguy cơ lộ, lọt dữ liệu, thông tin khách hàng và xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ tấn công hệ thống thông tin hoặc nền tảng dùng chung. Với mức độ phát triển như vũ bão của công nghệ, các tổ chức tín dụng, các trung gian thanh toán các doanh nghiệp khi tham gia vào một mạng lưới, một hệ sinh thái rộng khắp các ngành nghề, các lĩnh vực cần phải hết sức chú trọng trong bối cảnh xu hướng tội phạm ngày càng gia tăng và biến động khó lường.

Thứ ba, về nền tảng và chuẩn dữ liệu kỹ thuật, một số tổ chức tín dụng công bố nền tảng Open API trên hệ thống website để các đơn vị tham gia có thể kết nối, thử nghiệm, ký kết hợp đồng, hợp tác. Tuy vậy, chưa có quy định chung nào về tiêu chuẩn kỹ thuật khi đưa vào thực tế giữa các tổ chức. 

Trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, FPT.IDCheck là công cụ đắc lực hỗ trợ tổ chức và doanh nghiệp số hóa trải nghiệm xác thực định danh của người dùng trong các dịch vụ: mở mới tài khoản Ngân hàng, đăng ký vay tiêu dùng, chuyển tiền, rút tiền, đăng ký cấp phát chứng thư số, ký hợp đồng điện tử…. Trải nghiệm của khách hàng được đảm bảo tính bảo mật, an toàn và tuân thủ các quy định giao dịch tài chính. 

Như vậy, nhu cầu của khách hàng rất lớn và mong muốn của các tổ chức tín dụng của các doanh nghiệp cũng rất nhiều, vì vậy đi đôi cùng việc rõ ràng khung pháp lý, công nghệ và dữ liệu sẽ được coi “chìa khóa" giúp liền mạch kết nối hệ thống giữa các tổ chức, xác thực thông tin chính xác giúp “mở đường" cho quá trình chuyển dịch Ngân hàng mở hiệu quả, song hành thúc đẩy Open Banking tại Việt Nam & kết nối kinh tế số toàn cầu./.

Vân Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều