Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025

Thứ ba, 30/08/2022 16:55
(ĐCSVN) - Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, ngày 26/11/2021, Bộ TT&TT đã có đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” thay cho “Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Đề xuất nêu trên của Bộ TT&TT vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chấp thuận. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ TT&TT rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhiệm vụ xây dựng “Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030", sau khi “Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, khoa học, tránh trùng lặp giữa các chiến lược.

Triển khai "Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là 1 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong giai đoạn 2022 - 2024. (Ảnh minh họa) 

Trong định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2022 và giai đoạn 2022 – 2024, Bộ TT&TT đã xác định rõ việc hoàn thiện và triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực công nghiệp ICT trong năm 2022. Thời hạn Vụ CNTT, Bộ TT&TT cần hoàn thành nhiệm vụ này là tháng 6/2022. Với nhiệm vụ hoàn thiện và trình Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, thời hạn cần hoàn thành là tháng 12/2022.

Bộ TT&TT xác định rõ, công nghiệp công nghệ số là trụ cột cho xây dựng Chính phủ số, hiện đại hóa, thông minh hóa ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp và mọi mặt đời sống xã hội; có sức mạnh, vị thế và tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của lĩnh vực công nghiệp ICT trong năm 2022 và giai đoạn trung hạn, Chỉ thị 01 của Bộ TT&TT cho hay, năm nay Bộ tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam. Hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm, không chỉ cho thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đưa ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội.

Cùng với đó, tạo điều kiện và tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mệnh tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất các thiết bị 5G để hoàn thành mục tiêu triển khai cung cấp thương mại dịch vụ 5G bằng thiết bị sản xuất trong nước; xây dựng hệ thống quản lý, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số quốc gia; hoàn thiện cơ chế, chính sách kiến tạo cho phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông...

Với giai đoạn 2022 - 2024, tập trung phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Xây dựng và cập nhật, triển khai áp dụng chuẩn kỹ năng nhân lực công nghệ số. Tiếp tục duy trì tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp công nghệ số vào GDP ở mức 6 - 6,5% trong giai đoạn 2022 – 2024.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, tính đến cuối năm 2021, Việt Nam đã có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và có gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ ICT thương hiệu Việt Nam. Doanh thu ngành công nghiệp ICT năm 2021 đạt 136.153 triệu USD, tăng trưởng so với con số trên 124.678 triệu USD năm 2020. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam là 18.779 triệu USD, chiếm 13,8% tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT.

Trong năm 2022, Bộ TT&TT đặt mục tiêu đưa tổng số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 70.000; tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông đạt 148,5 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp CNTT là 9,2%; tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là 3 tỷ USD.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều