Bối cảnh và thực tiễn chuyển đổi số Việt Nam: còn chậm, thiếu chủ động, chưa thống nhất và nhiều bất cập
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.
Những hạn chế nêu trên có những nguyên nhân chủ quan và khách quan; trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính. Nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hệ thống chính trị và toàn xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thống nhất. Khả năng phân tích, dự báo chiến lược về xu thế phát triển khoa học, công nghệ tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước còn hạn chế. Tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chậm được đổi mới, sức ỳ còn lớn. Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa theo kịp diễn biến thực tế. Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, giữa Trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ; nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ.
(Trích Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư).
Theo quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", tiến trình chuyển đổi số quốc gia đã bước sang năm thứ ba, song song với những thành tích đã đạt được, cũng còn rất nhiều những vấn đề và thách thức đặt ra, đặc biệt trong việc định hướng đúng cho tiến trình chuyển đổi số về lâu dài, với các bước đi cần căn bản hơn, thực sự đi vào chiều sâu và tạo ra sự chuyển đổi thực sự.
Trước bối cảnh trên, nhiệm vụ cấp bách đối với Việt Nam chính là hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, trường học, qua đó cung cấp nhận thức đúng đắn, đầy đủ về chuyển đổi số, đồng thời trang bị các công cụ khảo sát – đánh giá; tư vấn – đào tạo và kết nối giải pháp công nghệ, tạo một “bệ đỡ” cho các tổ chức, doanh nghiệp, trường học có thể tiếp cận và thúc đẩy nhanh, tối ưu tiến trình chuyển đổi số của đơn vị mình.
Hình thành “Hệ sinh thái chuyển đổi số” thông qua “Chương trình thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số quốc gia”.
Nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đào tạo, kết nối, phổ biến, ứng dụng và phát triển hoạt động truyền thông số phục vụ công cuộc chuyển đổi số của Đất nước, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan tổ chức chương trình khảo sát, đánh giá, bình chọn và tôn vinh các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi Số Quốc Gia”.
Chương trình “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia” được hình thành nhằm mục tiêu giúp nhận thức đúng đắn về tiến trình chuyển đổi số, chia sẻ và tìm ra giải pháp cho những vấn đề và thách thức đang được đặt ra cho tiến trình chuyển đổi số, với trọng tâm xác lập định hướng đúng đắn cho tiến trình chuyển đổi số trước hết và cần thiết phải bắt đầu bằng việc kiến tạo các giải pháp hợp lý để chuyển đổi các tổ chức, chứ không phải chỉ là đầu tư các dự án công nghệ thông tin. Chương trình sẽ đưa ra những thảo luận, nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các đơn vị có thành tích tốt trong việc đưa ra được những giải pháp chuyển đổi số có tính căn bản, thực sự đi vào chiều sâu và tạo ra được sự đột phá trong tiến trình chuyển đổi số.
|
|
Chương trình “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia” đồng thời cũng tạo thành một nền tảng (platform) thông tin tổng thể về chuyển đổi số, giúp cho các tổ chức có thể trao đổi các dữ liệu, thông tin, tri thức về tiến trình chuyển đổi số. Đây là nơi các tổ chức có thể chia sẻ các vấn đề và thách thức của mình để thông qua đó tìm được những người trợ giúp kiến tạo các giải pháp giải quyết các vấn đề và thách thức đó. Các tổ chức cũng có thể chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn, trao đổi các vấn đề của tổ chức và cách tổ chức giải quyết được các vấn đề của mình, trong một sân chơi mà qua đó góp phần hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia đạt được những thành công.
Chương trình “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia” được kiến trúc theo cơ chế nền tảng, cho phép các bên liên quan trong tiến trình chuyển đổi số có thể đồng phối hợp với nhau, hình thành nên một nền tảng theo phương thức chia sẻ, giúp cho các tổ chức có thể tìm kiếm được cách thức phối hợp để tạo ra các giải pháp có tính hệ thống, đồng bộ và cộng hưởng hiệu quả được với nhau. Đây là một vấn đề quan trọng khi chuyển đổi số là một tiến trình chuyển đổi tổng thể chứ không phải là tiến trình chuyển đổi các tổ chức đơn lẻ hay các thành phần đơn lẻ.
Trọng tâm của Chương trình “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia” là góp phần hình thành nên các định chuẩn cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia, giúp các tổ chức định hình được những chuẩn mực cần thiết và phù hợp với đặc trưng, đặc thù của Việt Nam giữa muôn vàn các cách tiếp cận khác nhau, các cách hiểu khác nhau, các phương án và giải pháp khác nhau về chuyển đổi số, vốn đang tạo ra một sự bối rối lớn và cả những tranh luận khiến cho các tổ chức rất khó thực sự trả lời được tại sao cần phải chuyển đổi số, bắt đầu chuyển đổi số từ đâu, và chuyển đổi số như thế nào, theo lộ trình ra sao?
Chương trình “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia” - Xây dựng nền tảng giúp định hình tiến trình chuyển đổi số cho các tổ chức, kiến tạo các giải pháp chuyển đổi số cho các tổ chức, hỗ trợ các tổ chức triển khai tiến trình chuyển đổi số và cung cấp các giải pháp quản trị tiến trình chuyển đổi số cho các tổ chức, thông qua các hoạt động nghiên cứu, phát hành các báo cáo và ấn phẩm, các hoạt động tư vấn-đào tạo, các diễn đàn và thảo luận, các sự kiện, các giải thưởng và hoạt động khuyến khích tổ chức có thành tích tốt, các tham vấn chính sách,... và kiến tạo nên một cộng đồng các tổ chức đang thực hiện chuyển đổi số để cùng đồng hành, cùng chia sẻ và cùng cộng hưởng hiệu quả với nhau, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia đi đến thành công.
Trong khuôn khổ chương trình, BTC sẽ tập hợp các đơn vị tiêu biểu thuộc 08 lĩnh vực trọng điểm theo tinh thần Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Tài chính - Ngân hàng; Y tế; Giáo dục; Nông nghiệp; Giao thông - Logistics; Năng lượng; Tài nguyên - Môi trường; Sản xuất - Công nghiệp), hội tụ các điều kiện phù hợp để xây dựng hệ sinh thái, giúp các đơn vị nhận thức đúng đắn về tiến trình chuyển đổi số, chia sẻ và tìm ra giải pháp cho những vấn đề và thách thức đang được đặt ra cho đơn vị trong tiến trình chuyển đổi số. Trọng tâm của chương trình xác lập định hướng đúng đắn cho tiến trình chuyển đổi số của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.
Chương trình bao gồm các hoạt động: 03 Diễn đàn Quốc gia về “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia” đến 2025 và tầm nhìn 2030”; 08 Chuyên đề - Hội thảo toàn quốc về các lĩnh vực trọng điểm; Khảo sát, đánh giá, kiến tạo giải pháp và tôn vinh các đơn vị trên toàn quốc; Xuất bản bộ KỶ YẾU về TOP 500 đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu tham gia “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc Gia - Lần thứ nhất”; Diện kiến Lãnh đạo Nhà nước/ Chính phủ/ Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia: Báo cáo về “Thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia”; Truyền hình trực tiếp “Lễ Công bố & Tôn vinh Đơn vị, Doanh nghiệp tiêu biểu về “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đối Số Quốc Gia - Lần thứ nhất”; Xây dựng hệ sinh thái về Kiến tạo giải pháp, đào tạo nâng cao năng lực & Giải pháp Công nghệ ứng dụng các nền tảng để thực hiện Chuyển đối số thành công.
Lợi ích cho tổ chức, doanh nghiệp từ Chương trình Thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số quốc gia:
Thông qua các hoạt động của chương trình, tổ chức, doanh nghiệp, trường học sẽ: Hiểu được chuyển đổi số thực chất là gì?; Nền tảng nào cho phép quyết định chuyển đổi số hay không chuyển đổi số và nếu làm thì tại sao thành công, tại sao thất bại? Cơ chế vận hành của việc chuyển đổi số là như thế nào? Chuyển đổi số được tiến hành như thế nào? Đâu là những công nghệ quan trọng nhất mà chuyển đổi số có thể sẽ dùng đến?
Đối tượng tham gia Chương trình Thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số quốc gia:
Đơn vị, Doanh nghiệp thuộc 08 ngành trong điểm trên cả nước. Mỗi ngành trọng điểm 01 đơn vị/ địa phương, gồm: Tài chính - Ngân hàng; Y tế; Giáo dục; Nông nghiệp; Giao thông - Logistics; Năng lượng; Tài nguyên - Môi trường; Sản xuất - Công nghiệp và một số lĩnh vực khác; Đơn vị - Cơ quan nhà nước: Tỉnh, thành phố, huyện, thị, cơ quan, có những sáng kiến, giải pháp và ứng dụng các nền tảng hiệu quả về quản lý, kinh tế xã hội góp phần “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đối Số Quốc Gia”; Lãnh đạo tiêu biểu: Tôn vinh một số nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đưa đơn vị mình trở thành đơn vị tiêu biểu “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đối Số Quốc Gia”.
Khách mời tham gia chương trình dự kiến: Lãnh đạo nhà nước/ Chính phủ; Lãnh đạo Ủy ban Chuyển đối Số Quốc Gia; Các Bộ/ Ban/ Ngành Trung ương (08 ngành trọng điểm); Các UBND 63 tỉnh thành; Các đơn vị, tổ chức lãnh đạo khác.
Thành phần Ban tổ chức: Chương trình được chỉ đạo bởi Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội Truyền thông số Việt Nam; được tổ chức và thực hiện bởi Trung tâm Thông tin Truyền thông Số Việt Nam (6TS); với sự phối hợp của Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI); Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS); Viện Phát triển Kinh tế Số (VIDE); Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức Truyền thông số (CRC); Trung tâm Bản quyền số (DCC); Đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành trên cả nước; Đại diện các sở thuộc các lĩnh vực trọng điểm thuộc 63 tỉnh thành; Đại diện các tổ chức, hiệp hội liên quan đến hoạt động của chương trình. Chương trình được bảo trợ truyền thông và đồng hành bởi hơn 60 báo, tạp chí, đài trên cả nước.
Chương trình bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đề cử/ tham gia từ 28/02/2023 và kết thúc nhận hồ sơ vào 30/05/2023. Các địa phương/ các đơn vị đăng ký/ đề cử về BTC và hoàn thiện các thủ tục để BTC hỗ trợ chuẩn bị công tác thẩm định. Từ 15/03/2023 đến 30/06/2023, Ban thư ký sau khi tập hợp hệ thống đơn vị đề cử và chuyển hội đồng thẩm định Khảo sát/ Thẩm định/ Đánh giá/ Kết luận/ Kiến tạo giải pháp và Đề xuất (đào tạo, ứng dụng, nền tảng…). Chương trình cũng đồng thời phối hợp tổ chức các diễn đàn và 08 chuyên đề về các lĩnh vực trọng điểm từ 1/5/2023 đến 30/8/2023. Tháng 9/2023, chương trình sẽ kết luận và công bố với sự kiện truyền hình trực tiếp Lễ Công bố và tôn vinh TOP 100 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu; Xuất bản báo cáo, kỷ yếu đơn vị tiêu biểu “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi Số Quốc gia” lần thứ nhất; báo cáo và tổ chức diện kiến lãnh đạo Nhà nước/ Chính phủ/ Ủy ban chỉ đạo Chuyển đổi số Quốc Gia; đồng thời tiếp tục hỗ trợ đơn vị xây dựng các giải pháp chuyển đổi số quốc gia tối ưu, hiệu quả cho các đơn vị trong chương trình.
Thành viên của Hội đồng thẩm định bao gồm: Đại diện Ủy Ban Chuyển đổi Số Quốc Gia; Đại diện Bộ Thông tin Truyền thông; Đại diện Ban Kinh tế Trung ương; Đại diện Bộ KH&CN; Đại diện Bộ Công thương; Trung tâm Thông tin Truyền thông Số Việt Nam (6TS); Viện Chiến lược Chuyển đổi số Quốc Gia (DTSI); Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS); Viện Phát triển Kinh tế Số (VIDE); Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức Truyền thông số (CRC); Trung tâm Bản quyền số (DCC) CLB Doanh nhân Kinh tế Số Việt Nam; Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Chuyển đổi số. Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ trực tiếp đánh giá hồ sơ, dịch vụ, đơn vị, tổ chức theo các bước: Nghiên cứu hồ sơ. Khảo sát/ phân tích/ đánh giá/ thẩm định; Thảo luận dân chủ; Kết luận; Công bố. Thư ký bình chọn có nhiệm vụ tập hợp hồ sơ các doanh nghiệp tham gia một cách khoa học và hệ thống để Hội đồng thẩm định lập hồ sơ trình Chủ tịch Hội đồng ra quyết định khen thưởng.
Điều kiện tham gia:
Các đơn vị, doanh nghiệp thuộc 8 ngành trọng điểm trên cả nước, mỗi ngành trọng điểm. UBND tỉnh; các Sở; Hiệp hội đề cử một đơn vị tiêu biểu để làm điển hình của địa phương, các ngành sau: Tài chính-Ngân hàng, Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, Giao thông - Logistics, Năng lượng, Tài nguyên - Môi trường, Sản xuất - Công nghiệp; Đơn vị, doanh nghiệp được tham gia chương trình thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước, kể cả các doanh nghiệp liên doanh 100% vốn nước ngoài.
Tiêu chí tham gia:
Đơn vị thuộc 1 trong 8 lĩnh vực trọng điểm được đại diện cơ quan tỉnh/ sở/ các tổ chức, hiệp hội đề cử; Có mong muốn được hỗ trợ để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số tốt hơn nữa; Có chiến lược/ kế hoạch chuyển đổi số cụ thể, rõ ràng và hiệu quả; Có thể trở thành doanh nghiệp/ đơn vị điển hình trong lĩnh vực Chuyển đổi số (Quy mô, tiềm lực); Có sáng kiến, giải pháp điển hình về chuyển đổi số (nếu có)
Thông tin liên hệ:
HỘI TRUYỀN THÔNG SỐ VIỆT NAM
TRUNG TÂM THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG SỐ VIỆT NAM
Số 36 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 039 22 44 689 | Email: 6ts.vietnam@gmail.com
Website: idtvietnam.org.vn