|
Tiến sĩ Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam - tại một buổi hội thảo. |
Theo Tiến sĩ Trần Quý, qua nắm bắt thực tiễn, ông nhận thấy, nhiều doanh nghiệp thường cho rằng chuyển đổi số bắt đầu từ đầu tư công nghệ. Tuy nhiên, thực tế, chuyển đổi số là thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến toàn bộ nhân viên, bắt buộc tham gia xu thế không thể đảo ngược.
Số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) với hơn 400 doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2020 cho thấy, 55,6% doanh nghiệp cho biết, chi phí ứng dụng công nghệ số cao, tiếp đến là thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số chiếm 38,9%; sợ rò rỉ dữ liệu của doanh nghiệp chiếm 33,9%...
Từ số liệu khảo sát trên, Tiến sĩ Trần Quý cho răng, vấn đề lớn nhất với doanh nghiệp SME khi chuyển đổi số là chi phí lớn.
Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam khuyến nghị, doanh nghiệp nhỏ và vừa nên chuyển đổi từ những vấn đề nhỏ nhất như thay thế các mô hình kinh doanh truyền thống, tạo ra các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số, thay đổi phương thức làm việc qua email, zalo, giấy tờ … bằng phần mềm quản trị.
“Thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số. Dù chưa có thống kê doanh nghiệp sẽ chết nếu không chuyển đổi số nhưng số liệu thống kê cho thấy doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng công nghệ số để vận hành đã giúp tăng doanh thu đến 34%” - Tiến sĩ Trần Quý nhấn mạnh.
Đáng chú ý, ông Quý cho rằng, đây là thời cơ vàng để chuyển đổi số vì hiện tại chuyển đổi số đang nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và các hiệp hội trong nước, vì vậy việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp SME sẽ không phải là “bài toán khó”.
Bên cạnh đó, các giải pháp nền tảng chuyển đổi số hiện tại rất đa dạng, phong phú, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể linh động, dễ thích ứng hơn các doanh nghiệp lớn. Nếu doanh nghiệp không chớp cơ hội thì thời cơ sẽ chuyển sang doanh nghiệp khác, khi đó doanh nghiệp sẽ tụt hậu phía sau hoặc phá sản.