Chuyển đổi số để vận hành giáo dục hiệu quả, chất lượng hơn

Thứ ba, 01/11/2022 15:52
(ĐCSVN) - TP Hồ Chí Minh xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới cải cách hành chính, tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục của Thành phố.
Ngày 28/10, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế với chuyên đề “Chuyển đổi số giáo dục - từ cốt lõi đến toàn diện”, nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đề ra các mục tiêu chuyển đổi số ngành giáo dục Thành phố giai đoạn năm 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

 Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh:  Báo SGGP)

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, hệ thống giáo dục tại Thành phố có quy mô hơn 2 triệu học sinh, học viên và trên 100.000 giảng viên, giáo viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thành phố đã tập trung triển khai các bước để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với nòng cốt là cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo. Sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học và công nghệ để tạo ra môi trường học tập có hiệu quả cho học sinh.

Chính vì vậy, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học với những giải pháp, bước đi cụ thể là nhiệm vụ quan trọng mà Thành phố đề ra. Qua những thành tựu đạt được cho thấy, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục là phù hợp và đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, để phát huy mạnh mẽ hiệu quả từ những ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian tới, thông qua hội thảo, Thành phố mong muốn có thêm nhiều giải pháp để xây dựng cơ sở giáo dục Thành phố phát triển hội nhập, định hướng xây dựng cơ sở giáo dục đạt được trình độ tiên tiến và đáp ứng nhu cầu phát triển Thành phố và hội nhập quốc tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nhóm vấn đề: Giải pháp trang bị, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác chuyển đổi số; giải pháp, hệ thống, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giúp nâng cao năng lực, kỹ năng số cho cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên; các hệ thống, giải pháp chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra đánh giá cho học sinh; đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030”.

Chia sẻ tại Hội thảo, Giám đốc Sở GD-ĐT Thành phố Nguyễn Văn Hiếu cho biết, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại, là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng ngành giáo dục, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bắt kịp xu hướng đó, những năm qua, công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục của Thành phố được triển khai mạnh mẽ và đem lại những thành tựu bước đầu. Đặc biệt phải kể tới là việc tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp, việc học tập trên nền tảng số giúp giáo viên và học sinh tương tác và trao đổi với nhau dễ dàng, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua.

 Đại diện các sở, ban ngành, chuyên gia giáo dục tham gia thảo luận các vấn đề liên quan chuyển đổi số trong giáo dục. (Ảnh: Báo SGGP) 

Tính đến hết năm học 2021-2022, ngành giáo dục Thành phố đã xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu dùng chung, quản lý 2387/2387 đơn vị, bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đồng thời, đã sử dụng thí điểm 12 phần mềm dạy học trực tuyến đáp ứng theo yêu cầu dạy học và sử dụng dữ liệu dùng chung của thành phố, phối hợp với Trung tâm CNTT tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM để xây dựng bản đồ địa lý thông minh…

Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT Thành phố, hiện nay, công nghệ thông tin đã được áp dụng rộng rãi trong công tác quản lý giáo dục đồng thời, nhờ áp dụng chuyển đổi số giúp giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh, hỗ trợ việc quản lý giáo dục tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chuyển đổi số trong ngành giáo dục Thành phố cũng còn gặp không ít khó khăn. Trong đó có những hạn chế về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, dữ liệu chưa đầy đủ, vấn đề an ninh mạng, hạ tầng cơ sở chưa tốt…

Trong thời gian tới, ngành giáo dục Thành phố sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế còn tồn tại, phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ để hướng dẫn, nâng cao chất lượng nguồn dữ liệu; tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu gốc (Master Data) để từng bước liên thông kết nối…/.

Vương Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực