Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: Cơ hội và Thách thức

Thứ ba, 01/08/2023 23:16
(ĐCSVN) – Đây là chủ đề Hội thảo do Trường Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp cùng Viện Phát Triển Kinh Tế Số Việt Nam (Hội Truyền Thông Số Việt Nam) vừa tổ chức.
TS. Nghiêm Quý Hào - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Kinh Tế Ứng dụng - Trường ĐH Tôn Đức Thắng phát biểu khai mạc. 

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đại biểu có tên tuổi trong lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số và tài chính ngân hàng, hơn 120 khách mời đại diện các Bộ, Ngành, Ngân hàng, nhiều trường đại học và chuyên gia Chuyển đổi số.

Hội thảo tập trung thảo luận về triển khai Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cùng với xu hướng Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và xã hội 5.0 đang lan tỏa trên toàn cầu. Các diễn giả hàng đầu đã trình bày và phân tích những yếu tố cụ thể của chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng, đồng thời nhấn mạnh sự quan trọng của việc áp dụng công nghệ số trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành này.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nghiêm Quý Hào, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Kinh Tế Ứng dụng - Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đã tập trung nhấn mạnh vai trò của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và xã hội 5.0 trong định hình lại cách thức hoạt động của doanh nghiệp và cung cấp dịch vụ ngân hàng. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng với sự phát triển công nghệ số để đạt được sự tiến bộ trong ngành tài chính ngân hàng.

Các đại biểu dự Hội thảo. 

TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát Triển Kinh Tế Số Việt Nam thuộc Hội Truyền Thông Số Việt Nam, đã trình bày về kinh tế số tại Việt Nam và từng bước chinh phục những khó khăn để phát triển kinh tế số. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của chính sách và định hướng phát triển kinh tế số giai đoạn 2025-2030, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, trong bài tham luận "Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng", đã phân tích các yếu tố quan trọng của việc chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng, cũng như đưa ra những giải pháp cụ thể để đối mặt với các thách thức đang diễn ra.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch MoMo, đã chia sẻ kinh nghiệm của MoMo trong việc gia nhập thị trường tài chính số và vượt qua khó khăn nhờ vào sự chuyển đổi và cung cấp các dịch vụ tiên tiến, phù hợp với nhu cầu thị trường.

TS. Phùng Quang Hưng, đại diện cho khối đào tạo, đã trình bày bức tranh toàn cảnh về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực này.

Bà Lê Thị Minh Ngọc, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân – Ngân hàng Eximbank, đã chia sẽ về quá trình chuyển đổi số tại ngân hàng Eximbank, nhấn mạnh yếu tố nâng cao trãi nghiệm và chăm sóc khách hàng nhằm gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng.

Phát biểu về chương trình Hội thảo, ThS. Nguyễn Gia Đường đánh giá cao nội dung chuyên môn, cũng như tính lan tõa của hội thảo này.

Ban tổ chức, diễn giả và các nhà tài trợ đồng hành tại hội thảo. 

Đặc biệt, đồng hành cùng hội thảo này, Kỷ yếu hội thảo do Nhà xuất ban Tài chính, với nhiều bài viết chất lượng, hàm lượng nghiên cứu khoa học cao, cũng đã được khách mời tham gia hội thảo nhiệt tình đón nhận. Quyển kỷ yếu này sẽ trở thành một nguồn tư liệu quý giá, chứa đựng những thông tin, kiến thức và những chia sẻ bổ ích từ các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tài chính ngân hàng. Qua việc đóng góp các bài viết chất lượng từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế số, tài chính số và ngân hàng, quyển kỷ yếu này sẽ là một công cụ hữu ích để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp và xã hội số.

Tham dự hội thảo, Bà Đào Thị Hằng, đại diện Global Unit Pay, cho rằng: “Tích hợp công nghệ vào ngành tài chính đã mở ra nhiều cơ hội mới và giúp giải quyết các thách thức truyền thống. Fintech đã tạo ra các dịch vụ mới như thanh toán trực tuyến, ví điện tử, giao dịch ngân hàng trực tuyến, và đặc biệt, thanh toán xuyên biên giới. Trong tình hình kinh tế toàn cầu ngày nay, thanh toán xuyên biên giới trở thành một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp và thương mại quốc tế. Global Unit Pay (GUP) là một hệ sinh thái thanh toán toàn diện sử dụng công nghệ blockchain. Với những tính năng vượt trội như thanh toán nhanh chóng và an toàn, chi phí thấp và linh hoạt, GUP tiềm năng cách mạng hóa cách chúng ta thực hiện các giao dịch xuyên biên giới. GUP giúp vượt qua các hạn chế của các phương thức thanh toán xuyên biên giới truyền thống. Công nghệ blockchain của GUP đảm bảo tính bảo mật và tin cậy trong từng giao dịch, giảm thiểu rủi ro gian lận và đảm bảo sự minh bạch. Ngoài ra, với chi phí giao dịch thấp hơn so với các phương thức truyền thống, GUP giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa quy trình thanh toán xuyên biên giới

Hội thảo đã tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người đại diện trong ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam để trao đổi, tìm hiểu về các chính sách và chiến lược hiện đại hóa ngành tài chính ngân hàng trên thế giới, từ đó tăng cường sức mạnh cạnh tranh của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam. Nhiều bài tham luận, bài viết có giá trị đã được trình bày, đồng thời quyển kỷ yếu hội thảo cũng sẽ là một công cụ hữu ích để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp và xã hội số./.

Bùi Tiên – Hồng Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực