Hợp tác xã Công nghệ thông tin Huế (HueTechCoop) được thành lập từ 12/3/2010, được quy tụ từ các thành viên ưu tú của Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế. Với đội ngũ bao gồm 15 thành viên cơ hữu có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và hành chính công; với niềm đam mê công nghệ và khát khao đóng góp một phần công sức nhỏ bé để xây dựng quê hương, không những đã có những giải pháp tin học hóa xuất sắc trong hành chính công, mà còn đưa tin học hóa về tận tay người nông dân - một sứ mệnh mà ít đơn vị, doanh nghiệp nào có can đảm gánh vác.
Ngoài sự kế thừa thành quả về chuyên môn và sản phẩm của hơn 10 năm làm việc ở một Trung tâm CNTT lớn của tỉnh, của cả nước, HueTechCoop còn là hợp tác xã đầu tiên trên toàn quốc tiên phong về lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số. Hiện nay, Hợp tác xã đã có trên 100 sản phẩm và giải pháp về công nghệ, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực cho kinh tế tập thể, như: Giải pháp chống hàng giả bằng tem công nghệ và truy xuất nguồn gốc; sàn giao dịch thương mại điện tử tích hợp; hệ thống khảo sát, thu thập thông tin (chỉ số hài lòng, cung - cầu lao động, môi trường rừng..); nền tảng quản lý hợp tác xã; nền tảng đa dạng sinh học; nền tảng quản trị doanh nghiệp; hệ sinh thái chuyển đổi số,...
|
Tập huấn, hướng dẫn sử dụng các phần mềm kế toán hợp tác xã cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Liên Minh) |
Theo báo cáo của Hợp tác xã (HTX) Công nghệ thông tin Huế, sau hơn 12 năm hoạt động, mạng lưới đối tác và khách hàng đã trải dài toàn quốc và lan tỏa cũng như được sự tín nhiệm của trên 20 tổ chức phi chính phủ (Agriterra, AgriCord, WWF, ADB, USAID, ECODIT, MCNV, FFD, IFAD,...). Trong đó, trên 300 HTX sử dụng phần mềm Kế toán Hợp tác xã (20 tỉnh), trên 100 HTX sử dụng phần mềm Quản lý điện năng và các phần mềm khác (Quản lý nước, quản lý môi trường, quản lý chợ, quản lý trực đêm), gần 2.500 điều tra viên đang sử dụng hệ thống cung - cầu lao động để điều tra thu thập thị trường lao động, 11.690 HTX sử dụng app Chỉ số hài lòng (HTX số) để trả lời khảo sát mức độ hài lòng... Tất cả các sản phẩm, giải pháp đều đang được áp dụng hiệu quả. Chẳng hạn, năm 2020, theo chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam, HTX Công nghệ thông tin Huế đã xây dựng thành công Cổng kết nối cung - cầu sản phẩm chỉ trong 4 ngày và tập huấn triển khai toàn quốc đưa vào sử dụng hỗ trợ tiêu thụ hơn 100 tấn nông sản sau 03 tháng; năm 2021, cũng dưới sự chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam, HTX Công nghệ thông tin Huế đã xây dựng thành công Hệ thống Chỉ số hài lòng cấp tỉnh chỉ trong 1 tuần và tập huấn triển khai toàn quốc đưa vào sử dụng, sau chưa đầy 01 tháng đã có 11.960 HTX trực tiếp tham gia vào hệ thống để khảo sát; đến cuối năm 2021, HTX Công nghệ thông tin Huế đã xây dựng và tập huấn thành công hệ thống Thu thập thị trường lao động chỉ sau 1 tháng với gần 2.500 điều tra viên tham gia thu thập sau một tháng với 881.498 phiếu người lao động.
Ngoài ra, tận dụng lợi thế về mặt công nghệ, HTX đã xây dựng thành công kinh tế hợp tác và đang được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế giao quản lý và vận hành cùng với điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của HTX, góp phần đẩy mạnh việc giới thiệu và cung ứng sản phẩm của HTX trong tỉnh ra thị trường thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử; đồng thời cũng đã góp phần giải cứu một số lượng hàng nông sản khi triển khai cách ly do dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2020, 2021 cho Huế và các tỉnh khác. Hiện tại, sàn cung ứng nông sản, thực phẩm hàng ngày cho các Trung tâm bảo trợ xã hội, làm đầu mối liên kết tiêu thụ với 200 nhà cung cấp với gần 1.000 loại sản phẩm của 25 tỉnh, thành và tiếp tục mở rộng doanh thu trung bình 4 tỷ đồng/năm. Song song là việc kết hợp với các Liên minh HTX cấp tỉnh, Hội nông dân chuyển giao các kiến thức, kỹ năng về Thương mại điện tử đến tận hộ nông dân; hỗ trợ tập huấn về kiến thức Thương mại điện tử - Chợ điện tử nông sản, chuyển đổi số cho 05 huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Trị (Hướng Hóa, Dakrong, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh).
Theo HTX Công nghệ thông tin Huế, việc đưa công nghệ thông tin phục vụ vào phát triển nông thôn, làm đầu mối liên kết giữa các HTX, các tổ chức, cộng đồng luôn được HTX học hỏi, tìm tòi và chiêm nghiệm để tạo ra những sản phẩm hữu ích nhất, thiết thực và dễ sử dụng nhất cho các HTX và bà con, để họ có thể sử dụng công nghệ, áp dụng chuyển đổi số dễ dàng, góp phần hiện thực hóa và cụ thể cho việc áp dụng chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển nền kinh tế quốc dân./.