|
100% các xã của Hà Giang đã có cáp quang đến trung tâm và trạm thu phát sóng. (Ảnh: congthuong.vn) |
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban chỉ đạo và Ban điều hành chuyển đổi số cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân và doanh nghiệp, công tác chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang đến nay đã ghi nhận một số kết quả quan trọng trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Chuyển đổi số tạo cơ hội bứt phá vươn lên
Là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, tỉnh Hà Giang xác định lấy chuyển đổi số là cơ hội để bứt phá, vươn lên, là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong đó đặt mục tiêu chuyển đổi số tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của tỉnh, thay đổi mô hình khởi nghiệp kinh doanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần thực hiện thắng lợi ba đột phá, năm nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đưa Hà Giang trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh, cùng với việc ký kết các thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, địa phương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện chuyển đổi số, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, trong đó: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số; thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; thành lập Ban điều hành chuyển đổi số do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; thành lập 07 Tổ công tác trên 07 lĩnh vực chính của chuyển đổi số; thành lập Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo, Ban điều hành về chuyển đổi số; tại các địa phương, tỉnh thí điểm thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã và thí điểm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại mỗi thôn, bản, tổ dân phố...
Đặc biệt, từ năm 2022, Hà Giang lựa chọn ngày 28/8 hàng năm là Ngày chuyển đổi số của tỉnh. Đây cũng là dịp để UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đánh giá, tổng kết các nhiệm vụ chuyển đổi số; ghi nhận, tôn vinh các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác chuyển đổi số; qua đó tiếp tục cho thấy nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn.
Xác định chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, khách quan của xã hội, mở ra cơ hội cho tất cả các tổ chức, cá nhân, đưa Hà Giang phát triển mạnh về kinh tế - xã hội trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành chuyển đổi số tỉnh Hà Giang cho biết: để thúc đẩy tiến độ triển khai chuyển đổi số theo đúng mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra, địa phương xác định nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh chỉ đạo công tác chuyển đổi số; tăng cường nhân lực công nghệ thông tin; lồng ghép các nguồn kinh phí, các chương trình để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Mỗi sở, ngành phải tiết kiệm chi phí để đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin của đơn vị mình. Đặc biệt trên cơ sở nội dung chuyển đổi số phải huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai các nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu và tạo lập hệ thống để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng số, chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan nhà nước, bám sát vào kế hoạch chuyển đổi số của từng ngành...
|
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì Hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Chuyển đổi số - nền tảng phát triển kinh tế - xã hội". (Ảnh: Duy Tuấn) |
Thúc đẩy chính quyền số - tạo đà phát triển kinh tế số và xã hội số
Với quan điểm chuyển đổi số cần thực hiện trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung thúc đẩy thực hiện xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển, đến nay, 11/11 huyện, TP của Hà Giang đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành về chuyển đổi số, đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số. Song song với đó, Hà Giang đã tập trung triển khai các chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cho đoàn viên thanh niên, cho cán bộ chuyên môn các cấp và phổ cập kiến thức chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang cho biết: Chính quyền số của tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là một trong địa phương đi đầu về việc hoàn thiện hạ tầng và giám sát mạng diện rộng. Tỉnh đã từng bước hoàn thiện hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, hình thành siêu xa lộ thông tin với tỷ lệ phủ sóng di động đạt 98,5%. Hoàn thành và duy trì mạng Truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh, nâng cấp băng thông với quy mô triển khai 236 điểm, trong đó có 43 điểm là các sở, ban, ngành, huyện uỷ, thành uỷ, UBND các huyện, thành phố; 193 điểm xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến tỉnh Hà Giang được triển khai với quy mô 241 điểm cầu từ cấp tỉnh kết nối đến các xã. 100% các cơ quan hành chính có thể tham gia các cuộc họp trực tuyến quy mô 4 cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, 100% cơ quan hành chính của tỉnh có trang/cổng thông tin điện tử; 100% xã có cáp quang đến trung tâm nối mạng internet băng thông đến 98%, riêng khu trung tâm xã, thị trấn, thị tứ đạt 100%. Tỉnh đã đầu tư và duy trì hiệu quả Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh cho phép kết nối, liên kết tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Phát triển các Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở chuyên ngành như: CSDL về giá; Quản lý lao động - Việc làm; đất đai... đồng thời xây dựng Cổng dữ liệu dùng chung của tỉnh nhằm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở chuyên ngành của các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được tập trung hoàn thiện với 1.864 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó có 175 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (chiếm tỷ lệ 9.4 %); 1.501 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (chiếm tỷ lệ 80,53%, đạt 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp mức độ 4). Việc ứng dụng chữ ký số trong gửi và nhận văn bản điện tử đã có sự chuyển biến rõ rệt, 18 trong số 20 cơ quan cấp tỉnh sử dụng chữ ký số cá nhân đạt hơn 80%...
Về Kinh tế số, địa phương đã xây dựng trang thông tin chương trình chuyển đổi số doanh nghiệp tỉnh Hà Giang tại địa chỉ https://chuyendoiso.hagiang.gov.vn; triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2022. Cùng với đó, huy động sự phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp nền tảng số nhằm triển khai đưa sản phẩm nông sản, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa tỉnh Hà Giang lên sàn thương mại điện tử (sendo, shop VnExpress, postmark, voso), tập trung vào các sản phẩm có sản lượng lớn, nông sản chủ lực như cam, chè shan tuyết, mật ong bạc hà… Tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, Hội nghị trực tuyến hướng dẫn đưa sản phẩm nông nghiệp, đặc trưng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử; triển khai vận hành gian hàng triển lãm thực tế ảo 3D tại Website “Triển lãm chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam” và đăng tải tin bài để truyền thông, quảng cáo sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Hà Giang trên nền tảng số.
|
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh Hà Giang hướng dẫn thành viên HTX Anh Tài, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) sử dụng mạng xã hội quảng cáo cam Sành. (Ảnh: kinhtenongthon.vn) |
Xã hội số được chú trọng đẩy mạnh với việc tập trung truyền thông số về Hà Giang trên các nền tảng số, những kết quả nổi bật của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng; hình ảnh, văn hoá truyền thống đặc sắc của quê hương, con người Hà Giang; các chủ trương, chính sách thu hút các nhà đầu tư, phát triển du lịch của Hà Giang. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, phấn đấu 50% cơ sở giáo dục, y tế trở lên sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho các cơ sở y tế, giáo dục, thúc đẩy y tế, giáo dục thông minh.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Hà Giang đã và đang tăng cường áp dụng công nghệ số, chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng để thu hút khách du lịch, hướng đến phát triển du lịch bền vững hơn. Tập trung truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong du lịch; khuyến khích yêu cầu các điểm du lịch, các đơn vị lưu trú tăng cường chuyển đổi số, tăng cường truyền thông quảng bá trên các nền tảng số, cập nhật thường xuyên hình ảnh về mảnh đất và con người Hà Giang đẹp và mến khách với đa sắc màu văn hóa. Cùng với đó, hàng loạt sản phẩm du lịch số ra mắt, các lễ hội văn hóa gắn với sự kiện thường niên của tỉnh như: Lễ hội hoa tam giác mạch, Tuần lễ văn hóa Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Lễ hội nhảy lửa;... cũng được quảng bá trên các nền tảng số, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số, theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Giang, địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện chuyển đổi số đối với các ngành, lĩnh vực với quan điểm dễ làm trước, khó làm sau, kinh phí ít, hiệu quả cao, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.
Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, tập trung tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong đoàn viên thanh niên những nội dung chuyển đổi số tỉnh đang thực hiện hiệu quả, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; tăng cường trao đổi, tập huấn, hỗ trợ đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ trong doanh nghiệp;... Cấp ủy, chính quyền, mỗi cơ quan, đơn vị chủ động tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật công nghệ thông tin hiện có để số hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, chuyển đổi hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường số.
Cấp ủy, chính quyền các cấp phát huy vai trò Ban chỉ đạo, Ban điều hành chuyển đổi số để tổ chức lựa chọn và triển khai mô hình chuyển đổi số phù hợp, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm. Đặc biệt, bám sát định hướng chuyển đổi số Quốc Gia, Chiến lược phát triển chính phủ số; kinh nghiệm triển khai chính quyền điện tử của một số địa phương để triển khai hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban chấp hành về Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông số, chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công, tôn vinh gương thành công điển hình về chuyển đổi số. Qua đó, truyền cảm hứng, huy động sự vào cuộc 4 bên: người dân, chính quyền, chuyên gia và doanh nghiệp trong việc triển khai chuyển đổi số...
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang thực hiện nghi thức bấm nút khởi động Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. |
Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% thủ tục đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện, 70% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý và ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trên môi trường mạng; 80% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh được kết nối, chia sẻ, phân tích, mở dữ liệu cung cấp và cải tiến các dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội;...
Hướng tới ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đang sôi nổi hưởng ứng Cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số theo hình thức trắc nghiệm trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Hà Giang dự kiến tổ chức Hội nghị lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp công nghệ, trao đổi về chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Vào ngày 10/10, địa phương sẽ tổ chức khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chuyển đổi số... |