Lâm Đồng: 2 Huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai quyết tâm về đích trong công cuộc chuyển đổi số

Thứ bảy, 02/03/2024 09:30
(ĐCSVN) - Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xác định rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của địa phương nên thời gian qua, 2 huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai thuộc tỉnh Lâm đã cósự chuẩn bị, đầu tư bài bản cho lĩnh vực này. Với mục tiêu, xây dựng và hoàn thiện 3 nền tảng cốt lõi đó là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Từ kế hoạch đến những kết quả ngoài mong đợi

Chuyển đổi số trong công tác quản lý được huyện Đạ Tẻh triển khai từ cuối năm 2022, cụ thể, huyện đã ra mắt trung tâm điều hành thông minh – IOC. Ảnh: Quốc Phong 

Huyện Đạ Tẻh đang triển khai hệ thống phân tích dữ liệu điều hành thông minh IOC, xây dựng hệ thống phân tích dữ liệu điều hành thông minh phục vụ lãnh đạo nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương bằng hình ảnh trực quan. Dữ liệu được lưu vào kho chung của địa phương. Điều này đã tạo hiệu quả tích cực trong việc phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của cơ quan quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn huyện.

Đồng chí Tống Giang Nam, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Chuyển đổi số trong công tác quản lý được huyện Đạ Tẻh triển khai từ cuối năm 2022, cụ thể, huyện đã ra mắt trung tâm điều hành thông minh - IOC, với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, cải thiện chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Lãnh đạo các xã, thị trấn đã quan tâm chỉ đạo hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận nhà hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng, nền tảng số””.

Để nâng cao công tác tiếp cận công nghệ thông tin, các cơ quan chuyên môn huyện cũng đã phối hợp tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân truy cập Internet, đăng ký tài khoản và sử dụng các dịch vụ số dưới nhiều hình thức như in ấn và cấp phát 56.000 tờ rơi đến từng hộ dân, gửi các file âm thanh và video clip tuyên truyền đến cấp xã, tăng cường tin/bài phát trên Chuyên mục “Chuyển đổi số” trên hệ thống truyền thanh cơ sở và Trang thông tin điện tử huyện, tổ chức Cuộc thi “Trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về Chuyển đổi số” năm 2023 thu hút 32.376 lượt người dự thi...

Dịch vụ trực tuyến công được các cán bộ của xã, thị trấn hướng dẫn cho người dân làm thủ tục. Ảnh: Chí Hào 

Một số kết quả đã ghi nhận như: 100% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh, thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện, thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số dưới mọi hình thức. 100% xã, thị trấn xây dựng kế hoạch hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng. 95,8% người dân thực hiện thủ tục hành chính được hướng dẫn tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia (chỉ tiêu đề ra 90%). 94,1% hồ sơ thủ tục hành chính được nộp và xử lý trực tuyến (chỉ tiêu đề ra 90%).

Về Nông nghiệp: Huyện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất nông nghiệp, như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc nông sản,... Nổi bật có 13/13 (đạt 100% so với chỉ tiêu 60%) sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu (sản phẩm OCOP) được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Huyện cũng tiếp tục đầu tư cho công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Số hóa hồ sơ, tài liệu, văn bản, tạo lập cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước.

Cán bộ địa phương hướng dẫn người dân thủ tục hồ sơ trực tuyến. Ảnh: Việt Hùng 

Riêng về Đạ Huoai, Huyện đã thành lập 63/63 Tổ công nghệ cộng đồng (09 Tổ cấp xã và 54 tổ cấp thôn) trong toàn huyện trong đó lực lượng nòng cốt đóng vai trò dẫn dắt là đoàn viên thanh niên. 100% Bộ phận một cửa các cấp, nhà văn hoá cấp xã, thôn được trang bị hệ thống WIFI miễn phí phục vụ nhu cầu sử dụng internet của người dân để thực hiện thủ tục hành chính và tra cứu thông tin.

Huyện cũng đã đầu tư 4 hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông với 3 đài sử dụng ngân sách huyện gồm xã Đạ Oai, Đạ Tồn, Mađaguôi và 1 Đài của xã Hà Lâm sử dụng kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.

Trong một số lĩnh vực kinh tế đã có những chuyển biến như: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Tỷ lệ người dân sử dụng các nền tảng số phục vụ mua sắm, bán hàng, thanh toán trực tuyến đạt 60%. Hơn 65% hộ gia đinh có sử dụng dich vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng chí Lê Bình Minh, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai nhấn mạnh: Để công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện đạt hiệu quả thì không thể thiếu sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Ông Minh cho biết: "Thay đổi rõ rệt nhất chúng ta có thể nhận thấy được là tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của người dân ngày một tăng; dù ở bất kỳ nơi đâu vẫn kiểm tra, theo dõi được tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đã, đang hoàn thành đến giai đoạn nào và tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên 99%”

Cán bộ công an địa phuơng hướng dẫn người dân đăng ký định danh mức 2 VNEID. Ảnh: QP 

Chuyển đổi số và những thách thức cần vượt qua

Quá trình thực hiện chuyển đổi số ở các địa phương trên vẫn tồn tại một số hạn chế như: Dịch vụ công trực tuyến toàn trình còn mang tính hình thức, người dân vẫn chưa thể tự thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến (vẫn cần sự hỗ trợ của công chức); tỷ lệ số hóa hồ sơ, dịch vụ công trực tuyến, chứng thực điện tử trên công dịch vụ công quốc gia chưa cao. Chất lượng hoạt động của các Tổ Công nghệ số cộng đồng chưa có hiệu quả, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng chưa tích cực hoạt động hỗ trợ người dân.

Bên cạnh đó việc mua sắm, đầu tư trang thiết bị công nghệ còn khó khăn do vướng quy định mua sắm tập trung; tổ chức triển khai chương trình chuyển đổi số chưa huy động được các nguồn lực, nguồn đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước.

Thanh toán trực tuyến gặp khó khăn do người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc có tài khoản nhưng không thanh toán được.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đang từng bước nâng cao năng lực, nỗ lực cải cách hành chính, tinh thần, trách nhiệm, thái độ đối công cuộc chuyển đổi số góp phần số hóa các lĩnh vực của huyện, đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh thời gian khiến cho người dân, doanh nghiệp không còn bị phức tạp hóa các quy trình thủ tục rườm rà như trước đây.

Hơn hết việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin quản lý xã hội, quản lý bảo vệ rừng, nhanh chóng phát hiện các điểm khai thác khoáng sản, xây dựng có dấu hiệu bất thường hoặc các điểm trọng yếu với vị trí địa lý đặc thù riêng của 2 địa phương này.

Bằng nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, 2 huyện trên đang có những bước tiến tích cực trong hành trình thực hiện chuyển đổi số./.

Bài và ảnh: Nguyễn Việt Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực