Nông nghiệp hữu cơ liệu có làm nên xu hướng tiêu dùng mới?

Thứ hai, 15/04/2024 17:24
(ĐCVN) - Thời gian vừa qua, toạ đàm “Từ Nông Trại tới Bàn Ăn: Tương lai bền vững với Nông nghiệp Hữu cơ theo tiêu chuẩn của Châu Âu” đã giúp mọi người tìm hiểu thêm về các sản phẩm hữu cơ của Liên minh châu Âu và vai trò quan trọng của nông nghiệp hữu cơ trong cuộc sống. Tuy nhiên, về thực tế, liệu nông nghiệp hữu cơ có thể thực sự trở nên là xu hướng tiêu dùng chính trong tương lai?

 
Thực phẩm hữu cơ có tốt hơn các loại thực phẩm khác không ?

Nhiều người chọn mua thực phẩm hữu cơ để tránh các hóa chất nhân tạo. Có một số bằng chứng cho thấy rằng, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe như hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại; Chế độ ăn gồm các thực phẩm hữu cơ có thể có lợi cho sự tăng trưởng, sinh sản và hệ thống miễn dịch. Vì chăn nuôi hữu cơ không sử dụng kháng sinh trên động vật, các sản phẩm này thường chứa lượng vi khuẩn kháng kháng sinh thấp hơn một chút. 
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng tìm đến thực phẩm sạch hoặc hữu cơ (organic). Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng nhiều người rất dễ nhầm lẫn.
1. Thực phẩm sạch
Theo các chuyên gia, thực phẩm sạch là thực phẩm được nuôi trồng vẫn sử dụng các chất hóa học như thuốc trừ sâu, hóa chất tổng hợp... Nhưng các hoá chất đều được xử lý theo quy trình đảm bảo khi đầu ra, thực phẩm chỉ còn dư lượng các chất độc hại dưới mức cho phép, không gây hại sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Thực phẩm được coi là sạch là khi đến tay người tiêu dùng không còn chứa tạp chất, không chứa tác nhân sinh học gây bệnh, tươi sống và phải có nhãn mác về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm tra, đánh giá chứng nhận về an toàn thực phẩm.
2. Thực phẩm hữu cơ 
Thực phẩm hữu cơ (organic) đang chiếm nhiều sự quan tâm của những người tiêu dùng thông thái. Các thực phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ phải không sử dụng chất bảo quản, hương liệu, chất phẩm màu, hóa học, hoocmon tăng trưởng, không sử dụng nguyên liệu biến đổi gen. Thực phẩm organic cũng chia làm hai loại là thực vật và động vật. Điểm chung của các sản phẩm này là quá trình chăm sóc rất cẩn thận, tỉ mỉ và một cách tự nhiên hoá.
Như vậy, để nhận được Chứng nhận hữu cơ, đơn vị cung cấp phải cam kết toàn diện về thực hành canh tác bền vững. Các quy định nghiệm ngặt bao gồm cấm sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu nguy hiểm, thay vào đó lựa chọn các phương pháp tự nhiên để duy trì độ phì nhiêu của đất và kiểm soát sâu bệnh và thúc đẩy phúc lợi động vật. Canh tác hữu cơ nghiêm cấm việc sử dụng hormone để thúc đẩy tăng trưởng hoặc kiểm soát sinh sản, đảm bảo sức khỏe của động vật và duy trì tính toàn vẹn của hữu cơ. Thuốc kháng sinh được sử dụng tối thiểu và chỉ sử dụng khi cần thiết cho sức khỏe động vật, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các biện pháp can thiệp bằng dược phẩm.

Sự quan tâm của người tiêu dùng đến nhãn mác sạch (Clean label)

Nhờ thông tin trên nhãn sạch, người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn bởi họ biết rõ thành phần dinh dưỡng và nguồn gốc sản phẩm mà mình đang tiêu thụ. Khi được sản xuất trong quy trình đảm bảo tính nghiêm ngặt thì những sản phẩm là thực phẩm hữu cơ sẽ có tính an toàn, lành mạnh và dinh dưỡng cao hơn, từ đó có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng hơn. Đặc biệt khi những sản phẩm này có hoạt tính sinh học, chống oxy hóa mạnh, cung cấp nhiều vitamin hơn, có khả năng miễn dịch, nhiều chất xơ hơn để giúp lợi khuẩn, hay nhiều Omega 3, 6 để cân bằng và có lợi cho tim mạch, từ đó ít dị ứng, hạn chế ngộ độc hơn. 

“Việc tiêu thụ thực phẩm hữu cơ còn giúp phòng chống thừa cân béo phì và bệnh chuyển hóa. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc, sự tham gia quản lý an toàn của các Bộ trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Thông tin về sản phẩm cần minh bạch, được ghi nhãn và có đầy đủ những chứng nhận an toàn theo quy định" – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia từng cho biết. 

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam

Báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen cho thấy, tại Việt Nam có 86% người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic (thực phẩm hữu cơ) cho bữa ăn hàng ngày vì tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị.

ảnh: internet 
Sản xuất và tiêu dùng thực phẩm hữu cơ ngày càng được quan tâm không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn ở các nước đang phát triển như Việt Nam, khi mà những vấn đề về thực phẩm bẩn, và tổn dư kháng sinh cao dẫn đến các vấn đề về ngộ độc thực phẩm, cũng như những ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng sống. Bên cạnh đó mức thu nhập đang ngày càng được cải thiện, cùng với việc tiếp nhận thông tin về các lối sống lành mạnh và khoa học dễ dàng hơn khiến người dân ngày càng có ý thức quan tâm đến sức khỏe.

Để được chứng nhận hữu cơ, các sản phẩm phải được trồng và sản xuất theo cách tuân thủ các tiêu chuẩn tại quốc gia mà thực phẩm hữu cơ đó được tiêu thụ. Mỗi chứng nhận hữu cơ đều có yêu cầu riêng nghiêm ngặt từ giống, nguồn nước, đất, phân bón,... đáp ứng tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ. Chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, Ủy ban Hữu cơ Quốc gia (USDA) là chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt nhất. Sản phẩm chứa 95% thành phần hữu cơ mới được phép sử dụng logo. 

Không chỉ nông nghiệp mà chăn nuôi cũng có thể thực hiện theo cách hữu cơ. Thực phẩm hữu cơ đa dạng từ thực phẩm tươi từ rau củ quả, thịt, cá, trứng, sữa,... cho đến các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn như soda, bánh quy, ngũ cốc,... Riêng các thực phẩm chế biến sẵn như soda, bánh quy, ngũ cốc,... thì không có chất phụ gia thực phẩm nhân tạo như chất bảo quản, chất tạo màu.

Tuy nhiên, rào cản đầu tiên là giá cả của sản phẩm còn khá cao. Thứ hai là nhiều người tiêu dùng vẫn chưa đặt lòng tin vào sản phẩm. Tiếp theo là tính sẵn có của sản phẩm còn ít, cuối cùng là về tính minh bạch, quản lý chất lượng, an toàn của sản phẩm.

Thực phẩm hữu cơ có thể chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng hơn thực phẩm thông thường, mặc dù các bằng chứng vẫn còn rất hạn chế. Tiêu thụ thực phẩm hữu cơ cũng có thể làm giảm nguy cơ tiếp xúc với các hóa chất nhân tạo, hormone và vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, thực phẩm hữu cơ thường đắt và dễ hư hỏng hơn. Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa biết rõ liệu sử dụng thực phẩm hữu cơ có thực sự mang lại lợi ích sức khỏe nhiều hơn hay không. Do đó, có sử dụng sản phẩm hữu cơ hay không còn phụ thuộc vào sở thích và điều kiện của mỗi người./.
Mai Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực