Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs)

Thứ sáu, 28/10/2022 16:37
(ĐCSVN) - Hội thảo đã tập hợp nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong việc thúc đẩy doanh nghiệp SMEs mạnh dạn chuyển đổi số. Đồng thời gợi mở các mô hình kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng địa phương.

 

Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam (thứ ba trái sang) cùng các đại biểu tại hội thảo. 

Trong thời đại Cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư (Công nghiệp 4.0), chuyển đổi số (CĐS - Digital Tranformation) vẫn luôn là vấn đề làm nóng các diễn đàn kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (SME) phải đối mặt với những thách thức lớn từ tác động tiêu cực của COVID-19, CĐS là một trong những chiến lược then chốt mà các DN đã và đang đẩy mạnh thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong tình hình mới, cũng như phục hồi sau đại dịch.

Chiều ngày 28/10, tại  Viện Công nghệ Châu Á (AIT Việt Nam) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee, Đoàn Cơ quan ĐHQG-HCM và Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam, Viện Phát Triển Kinh Tế Số Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” thu hút khoảng đông đảo đại biểu từ các đơn vị tham dự.

Thông qua hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm từ lý thuyết, chính sách và thực tiễn cũng như đề xuất giải pháp CĐS cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Từ đó, đóng góp một phần giá trị cho công cuộc chuyển đổi số của nước nhà.

Tham gia hội thảo có các đại biểu: Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam; Tiến sĩ Phùng Văn Đông, Giám đốc Viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AIT Việt Nam); Phạm Văn Quân – CEO Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee, Tiến sĩ Đinh Mộng Kha – CEO VietGuys; Tiến sĩ Đinh Ngọc Thạch - Trưởng nhóm Nghiên cứu mạng Internet vạn vật của Trường Đại học Soongsil Hàn Quốc, cùng các khoa/viện đào tạo, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bài phát biểu mở đầu, TS. Trần Quý đã có những chia sẻ về thực trạng Chuyển đổi số của doanh nghiệp SMEs tại Việt Nam. Qua đó, trình bày về những khó khăn mà doanh nghiệp SMEs đang gặp phải trong việc chuyển đổi số như thiếu nhân lực, cơ sở hạ tầng để triển khai, thay đổi văn hóa,…

Bên cạnh đó, TS. Trần Quý cũng đưa ra một số giải pháp trọng yếu như doanh nghiệp nên tìm cách tập trung chuyển đổi tư duy, mô hình kinh doanh, hơn là chỉ đầu tư vào công nghệ nói chung. Ngoài ra, còn có các chính sách hỗ trợ từ nhà nước dành cho các doanh nghiệp SMEs, đặc biệt là những doanh nghiệp tại các vùng khó khăn.

Đồng tình với những chia sẻ của TS. Trần Quý rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội, TS. Phùng Văn Đông cũng đưa ra tầm quan trọng của việc đổi mới thiết kế sáng tạo với doanh nghiệp. Khi sự cạnh tranh ngày một tăng cao cũng là lúc doanh nghiệp cần có những ý tưởng đột phá trong tư duy chuyển đổi số để phát huy tốt vai trò của mình.

Tiếp nối chương trình là các giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp SMEs trong quá trình chuyển đổi số như: Giải pháp Truy xuất Nguồn gốc Sản phẩm - Cơ hội đổi mới thương mại bền vững và hội nhập của các doanh nghiệp tại Việt Nam từ ông Phạm Văn Quân. Hay “chìa khóa” để chinh phục trải nghiệm khách hàng bằng Master Channel và PangoCDP qua phần chia sẻ của TS. Đinh Mộng Kha - CEO VietGuys trong việc giúp doanh nghiệp dựa trên định hướng dữ liệu thống nhất để hiểu hơn về khách hàng và chuyển đổi số hiệu quả.

Có thể thấy, hội thảo đã tập hợp nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong việc thúc đẩy doanh nghiệp SMEs mạnh dạn chuyển đổi số. Đồng thời gợi mở các mô hình kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng địa phương.

Hy vọng rằng không chỉ dừng lại ở buổi hội thảo này, các nghiên cứu và giải pháp thực tiễn đến từ các đơn vị sẽ mang tính ứng dụng cao, giúp thiết lập các mối quan hệ thực sự để cùng phối hợp thực hiện các dự án chuyển đổi số cho doanh nghiệp SMEs thành công./.

Tin, ảnh: Hồng Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều