Yên Bái quyết tâm thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện

Thứ tư, 07/09/2022 13:46
(ĐCSVN) - Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025 vào nhóm 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chuyển đổi số; Đến năm 2030, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh; sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới...

Nghị quyết chuyên đề số 51-NQ/TU, ngày 22/7/2021 về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu phấn đấu là đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phấn đấu thứ hạng của Yên Bái vào nhóm 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chuyển đổi số... Đến năm 2030, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh; sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới... Và năm 2022 cũng đã được UBND tỉnh Yên Bái xác định là năm "tổng tiến công" về chuyển đổi số, là năm đầu tiên tỉnh Yên Bái đưa ra các chỉ tiêu và giao các chỉ tiêu chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

leftcenterrightdel
Quyết tâm chính trị của tỉnh Yên Bái là đứng vào nhóm 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chuyển đổi số.

Thực hiện nhiệm vụ đó, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành 14/38 mục tiêu đạt 36,8% kế hoạch; toàn tỉnh đã tham mưu thành lập Tổ chuyên gia tư vấn cho tỉnh về chuyển đổi số. Trong triển khai các nhiệm vụ, đã có một số cơ quan, đơn vị, địa phương là điểm sáng, tiên phong và triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về chuyển đổi số, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện các mô hình, nền tảng số. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng với 10.851 thành viên tham gia. Toàn tỉnh có 72/173 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số, chiếm tỷ lệ 41,6%, trong đó 69/72 xã (phường) chuyển đổi số, 03/72 xã (phường) chuyển đổi số nâng cao…

Đặc biệt, trong ngành y tế, hệ thống “Quản lý khám chữa bệnh, hồ sơ sức khỏe điện tử VNPT-HIS” đã được sử dụng ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Hiện có 113 cơ sở y tế, 441.000 nhân khẩu được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Đối với ngành giáo dục, đến nay đã có 163 trường đạt 54%, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh với 6.237 giáo viên, 108.901 học sinh tham gia ứng dụng hệ sinh thái giáo dục thông minh. Trong đó, hơn 19.884 sổ liên lạc điện tử, hơn 30.000 tài khoản học và thi trực tuyến.

Năm 2018, hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa của tỉnh Yên Bái đã được VNPT phối hợp với các ban/ngành của địa phương triển khai tại 20 Sở/ban/ngành, 9 huyện thị/thành phố và 173 xã/phường/thị trấn. Năm 2019, hệ thống đánh giá Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Yên Bái vào hoạt động.

leftcenterrightdel
Đưa giao dịch không sử dụng tiền mặt đến với người dân nông thôn. 

Đề án Đô thị thông minh của tỉnh Yên Bái đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 07 hạng mục quan trọng để phục vụ chuyển đổi số của Tỉnh, thể hiện sự sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả. Hiện, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 10 mô hình điểm về chuyển đổi số, gồm: Chuyển đổi số cấp xã (phường); Chuyển đổi số cấp huyện; Chuyển đổi số trường học; Chuyển đổi số cơ quan nhà nước; Công dân số; Tổ chuyển đổi số cộng đồng; Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái; Nhà văn hóa số; Gia đình số; Chuyển đổi số doanh nghiệp. Đến nay, đã có 7/10 mô hình triển khai và đạt kết quả; 3/10 mô hình (nhà văn hóa số; gia đình số; chuyển đổi số doanh nghiệp) đang hình thành... Có thể nói, tỉnh Yên Bái đang từng lĩnh vực chuyển đổi số từ thành phố đến từng huyện xã, trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội để tạo nền tảng cho hành trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Yên Bái trong giai đoạn sắp tới./.

Quốc Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều