10 sự kiện Chuyển đổi số nổi bật của TP Hồ Chí Minh năm 2022

Thứ tư, 08/02/2023 17:28
(ĐCSVN) - Năm 2022, trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh đã rất quyết tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cùng điểm lại 10 sự kiện Chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh trong năm 2022 do Cổng thông tin điện tử Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh bình chọn....
Ra mắt “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP Hồ Chí Minh". (Ảnh: PV) 

1. Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh

UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 944/QĐ-UBND ngày 31/3/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc thực hiện Đề án Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc xây dựng Chính quyền điện tử TP Hồ Chí Minh. Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh gồm 23 thành viên và do ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hằng năm triển khai đề án đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số của thành phố. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy triển khai đề án và chương trình chuyển đổi số.

2. Ra mắt “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP Hồ Chí Minh”

Chiều 29/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra mắt Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với phương châm công khai, minh bạch, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ… Hệ thống mới này sẽ thiết lập 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt để cán bộ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

Ngoài ra, hệ thống mới cho phép các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sẽ được xác minh và cấp một tài khoản duy nhất. Từ đó, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thông qua hệ thống hồ sơ điện tử. Đặc biệt, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch, hệ thống còn cung cấp công cụ theo dõi về tiến trình, nhật ký hồ sơ, ghi nhận tất cả nội dung trao đổi, giao dịch điện tử… Đến cuối năm 2022, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính sẽ thiết lập 100% thủ tục hành chính để cán bộ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ và cung cấp 452 dịch vụ công trực tuyến.

3. TP Hồ Chí Minh ra mắt Hệ thống thông tin kinh tế xã hội và phản ánh, kiến nghị của người dân.

Ngày 29/4/2022, UBND TP Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế xã hội và Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua Tổng đài 1022. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), là nền tảng của việc xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh đúng theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.

Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế xã hội bao gồm các nhóm chỉ tiêu áp dụng ở cấp thành phố, quận, huyện, sở, ngành sẽ được chia thành 20 nhóm lĩnh vực với 110 chỉ tiêu cụ thể. Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế xã hội, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh có thể đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình hoạt động, hiệu quả kế hoạch công tác, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường để đưa ra các định hướng, quyết định và hành động phù hợp. Trong khi đó, Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh của người dân thông qua Tổng đài 1022 sẽ cung cấp các thông tin, tình hình xử lý phản ánh kiến nghị dưới dạng biểu đồ nhiệt, bản đồ GIS thành phố và các khối biểu đồ cột, biểu đồ tròn. Hệ thống này được thể hiện theo từng lĩnh vực, từng đơn vị xử lý (cấp quận, huyện, xã, phường), giúp trực quan hóa tình hình xử lý phản ánh kiến nghị của người dân nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

4. TP Hồ Chí Minh thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.

Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số thành phố về hỗ trợ chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch triển khai Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố trình UBND TP Hồ Chí Minh trong tháng 12/2022. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn cho các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện triển khai Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố sau khi bộ chỉ số ban hành. Kế hoạch triển khai Chương trình “Chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh” năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông chủ động lấy ý kiến các sở, ngành chức năng; tổng hợp trình UBND TP Hồ Chí Minh.

5. Ban hành Chỉ thị 17-CT/TU về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên vừa ký ban hành Chỉ thị 17-CT/TU về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố quán triệt, nâng cao nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, tạo lập, tích hợp và khai thác hiệu quả các dữ liệu để phục vụ công tác phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và quản trị thành phố theo hướng hiện đại.

Cùng với đó là thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trên các lĩnh vực và thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 25% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn thành phố.

6. Ra mắt và đưa vào hoạt động Cổng thông tin chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh

Cổng thông tin chuyển đổi số cung cấp các thông tin: tổng quan về các kế hoạch chuyển đổi số của thành phố; cẩm nang chuyển đổi số; tin tức tổng hợp về chuyển đổi số của thành phố, Việt Nam và thế giới; các hoạt động hợp tác, chuyển giao về chuyển đổi số; thư viện đa phương tiện liên quan đến chuyển đổi số. Đây là kênh chính thức tổng hợp thông tin liên quan đến kế hoạch, chương trình chuyển đổi số và các hoạt động, kết quả chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh.

7. TP Hồ Chí Minh xếp thứ 3 toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số năm 2021.

Bộ Thông tin và truyền thông công bố kết quả chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021. TP Hồ Chí Minh tăng 2 bậc so với năm 2020, vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc.

Nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai chuyển đổi số, thành phố đã triển khai 4 nền tảng quan trọng. (1) Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP); (2) Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu nhằm tổng hợp tập trung từ kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; (3) Nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn thành phố phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ; (4) Nền tảng họp trực tuyến đã góp phần thay đổi phương thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến và đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, cải thiện DTI với 8 nhiệm vụ trọng tâm, tiêu biểu: tăng cường công tác truyền thông chương trình truyền thông IT TODAY năm 2022; ban hành Bộ chỉ tiêu chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức...

8. Khai mạc Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh năm 2022.

Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực mới cho phát triển của Thành phố” thể hiện mong muốn của Chính quyền Thành phố trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số. Đây là một trong các nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

TP Hồ Chí Minh đang tiến gần vào Top 100 thành phố có hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động toàn cầu và đang ở vị trí 179. Chương trình Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh năm 2022 không chỉ mang đến thông điệp về vai trò của nhà nước về kiến tạo mà còn phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt, kết nối, hợp tác và chia sẻ trong hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

9. TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% trong GRDP

Tại Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP Hồ Chí Minh trong tương lai”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định: Kinh tế số ngày càng trở nên mạnh mẽ và áp đảo kinh tế truyền thống. TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% trong GRDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm 40%.

TP Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch hành động, quyết tâm thực hiện chương trình chuyển đổi số, đặt mục tiêu số đưa công nghệ tiên tiến vào đổi mới sáng tạo, trung tâm tư vấn chuyển đổi số hoạt động có hiệu quả hơn; chuyển sang đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2, hợp tác các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước thúc đẩy các đề án phát triển, giáo dục thông minh, y tế thông minh, chương trình nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, quyết tâm hình thành nhanh hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế thành phố.

10. Chủ đề của năm 2023 sẽ là “Dữ liệu số”.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của TP Hồ Chí Minh thực hiện theo Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đối số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Thành phố, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia”.

UBND TP Hồ Chí Minh sẽ thông qua dự thảo Quyết định ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh và từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023 vận hành thí điểm và vận hành chính thức hệ thống vào quý 2 năm 2023. Chủ đề của năm 2023 sẽ là “Dữ liệu số”. Trong đó, cơ quan nhà nước tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số với các định hướng trọng tâm: Người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh; Cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu từ máy sinh ra theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp./.

 
 
dangcongsan.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều