Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 25% GRDP

Thứ năm, 08/09/2022 17:49
(ĐCSVN) – Chương trình chuyển đổi số được UBND TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 địa phương này thành đô thị thông minh với sự đổi mới toàn diện bộ máy chính quyền, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp khi góp phần giảm thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ trên mạng.
Người dân, doanh nghiệp tham quan không gian sáng tạo và trải nghiệm chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh (Ảnh:https://hcmcpv.org.vn/) 

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên vừa ký ban hành Chỉ thị 17-CT/TU về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt, nâng cao nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, tạo lập, tích hợp và khai thác hiệu quả các dữ liệu để phục vụ công tác phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và quản trị TP Hồ Chí Minh theo hướng hiện đại.

Cùng với đó là thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trên các lĩnh vực và thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số đóng góp khoảng 25% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn thành phố.

Đây là mục tiêu được Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nêu trong Chỉ thị 17 - Đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh vừa ban hành. Ba trụ cột của chương trình gồm: chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

UBND thành phố được yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; liên thông các dữ liệu dân cư, quy hoạch, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở... đồng thời, sớm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các sở ngành để cung cấp tiện ích, dịch vụ công trực tuyến nhanh, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Nguồn nhân lực môi trường số của thành phố sẽ được ưu tiên đầu tư, trước hết là đào tạo cán bộ, công, viên chức và nâng cao năng lực quản lý. Riêng TP Thủ Đức, sẽ được ưu tiên nguồn lực để hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông.

Công an thành phố và Sở Thông tin và Truyền thông được giao khai thác các cơ sở dữ liệu dân cư để cung cấp thêm tiện ích nghiệp vụ như: tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng và cung cấp các tiện ích cho người dân như định danh, xác thực, dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, di chuyên nội địa...

Chỉ thị 17 yêu cầu tất cả các cấp chính quyền và tổ chức thực hiện nghiêm nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, tạo lập, tích hợp và khai thác hiệu quả các dữ liệu trong quản trị thành phố.

HĐND TP Hồ Chí Minh sẽ cùng UBMTTQ Việt Nam lên kế hoạch giám sát việc triển khai Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh; giám sát vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện...

Chương trình chuyển đổi số được UBND TP Hồ Chí Minh duyệt tháng 7/2020 đặt mục tiêu đến năm 2030 địa phương này thành đô thị thông minh với sự đổi mới toàn diện bộ máy chính quyền; mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp khi góp phần giảm thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ trên mạng, tăng năng suất lao động.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều