|
Quang cảnh Hội thảo khoa học: “Các giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế và xã hội Thủ đô”. |
Tạo ra không gian phát triển mới
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số là nội dung trong sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030. Cùng với đó, Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị quyết, quyết định, chương trình hành động thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Tại Hà Nội, Quyết định số 4098/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 của UBND TP phê duyệt chương trình chuyển đổi số đã đưa ra “Tầm nhìn đến năm 2030, thành phố phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản ly, điều hành của chính quyền thành phố, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.
Tại Hội thảo khoa học “Các giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế và xã hội Thủ đô” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội và Hội Tin học Viễn thông Hà Nội tổ chức mới đây, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.
Với Hà Nội, đến nay, kinh tế số, xã hội số của Thủ đô đang phát triển khá mạnh mẽ, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ hai trên toàn quốc, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%...
Việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước. Đề án được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần thay đổi phương thức quản trị xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân.
|
Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao phát biểu tại Hội thảo. |
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Hà Nội vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là dữ liệu số chưa được hoàn thiện và khai thác hiệu quả, việc phân tích dữ liệu thông minh phục vụ chỉ đạo, điều hành chưa được triển khai; ứng dụng công nghệ thông tin trong khối Đảng, đoàn thể thành phố còn hạn chế. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; chuyển đổi số trong hầu hết ngành, lĩnh vực còn chậm so với nhu cầu của xã hội…
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng có một phần do cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến chuyển đổi số; chưa sẵn sàng đổi mới về tư duy và hành động trong tiếp cận, thực hiện dẫn đến việc xây dựng chính sách. Việc triển khai chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa chủ động, chưa đáp úng yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Chuyển đổi số hướng đến thành phố thông minh
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, tại Hội thảo: “Các giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế và xã hội Thủ đô”, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Quyết định số 4098/QĐ-UBND của UBND TP là “Hà Nội phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao, tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại" với chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo.
Theo Chủ tịch Công ty Công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung, chuyển đổi số một địa phương là việc của chính nơi đó và phải xuất phát từ nhận thức, từ quyết tâm và mức độ nắm rõ tình hình thực tế. Cũng vì thế, mỗi địa phương là khác nhau, cần có những chiến lược, đề án hành động khác nhau. Đề án chuyển đổi số không phải là một bản đề án ứng dụng công nghệ số, mặc dù công nghệ số đóng vai trò quan trọng để hiện thực hóa và tạo năng lực đột phá trong chuyển đổi số. “Một bản đề án phù hợp thường hoạch định cho giai đoạn từ 3 - 5 năm, mặc dù có thể đưa ra tầm nhìn dài hơn. Việc quan trọng là đề án phải đưa ra được các chương trình hành động vừa mang tính chiến lược vừa có khả năng thực hiện ngay” - ông Nguyễn Thế Trung nêu quan điểm.
Từ quan điểm đó, ông Nguyễn Thế Trung đề xuất 3 sáng kiến để chuyển đổi số hướng tới Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Cụ thể, chính quyền như nền tảng đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ số; Digital Hà Nội hướng tới phát triển bền vững và phát huy văn hóa; phát triển kỹ năng số toàn dân thông qua mô hình giáo dục số trên metaverse.
|
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ chia sẻ tại Hội thảo. |
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ chia sẻ, để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm và huy động nguồn lực của toàn bộ hệ thống chính trị thành phố, nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, xứng tầm vị thế Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đang giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Khi Nghị quyết được ban hành, thành phố sẽ tổ chức triển khai, phân công nhiệm vụ cùng lộ trình cụ thể để các cấp, các ngành, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã đề ra.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ cho rằng, để triển khai hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, cần có sự tham gia, đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết. Đặc biệt, sự ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ số cốt lõi. Phát huy vai trò dẫn dắt trong triển khai các giải pháp phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số…/.