Việt Nam tăng trưởng kinh tế số mạnh nhất khu vực Đông Nam Á

Thứ hai, 30/01/2023 09:41
Sau hai năm đại dịch vừa qua đã đẩy nhanh xu hướng thay đổi thói quen mua sắm và kinh doanh trực tuyến của Việt Nam theo hướng tích cực.

Mua sắm online ngày càng sôi động

Sức nóng của các kênh bán hàng online, bán hàng qua livestream ngày càng thu hút người tiêu dùng. Dễ nhận thấy những buổi livestream túi xách hàng hiệu hay quần áo trên các kênh facebook khiến nhiều chị em “tranh nhau” chốt đơn hàng online không ngần ngại.

Cũng trên nền tảng Facebook, có những bài viết của các hot facebooker thu hút hàng chục ngàn like và hàng ngàn lượt chia sẻ. Còn trên nền tảng Youtube thì không phải nói, nhiều kênh youtube thu hút hàng triệu subscribers.

Nếu như trước kia tâm lí người tiêu dùng phải đến tận nơi xem trực tiếp sản phẩm thì bây giờ họ chỉ cần ngồi một chỗ và sẵn sàng đặt mua những món hàng có giá trị cao lẫn những món ăn, vật dụng hàng ngày. Hay như món cá kho của làng Vũ Đại, một ngôi làng khá xa xôi ở Hà Nam, đã được cả nước biết đến như là một đặc sản ngày Tết. Nhưng bây giờ, món ăn này đã được chở đi khắp nơi nhờ vào những đơn hàng online, giúp cải thiện cuộc sống của rất nhiều người làng.

leftcenterrightdel
Kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử ở Việt Nam được phản ánh qua sự gia tăng số lượng người mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm trung bình của mỗi người mua. Số lượng người mua sắm trực tuyến đã tăng từ 30,3 triệu người lên 54,6 triệu người vào năm 2021, ước tính có thể đạt 57 - 60 triệu người năm 2022.

Giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của một người cũng tăng từ 160 đô la Mỹ vào năm 2015 lên 251 đô la Mỹ vào năm 2021 và ước tính đạt 260-285 đô la Mỹ năm 2022.

Báo cáo Chỉ số doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 và 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã tiến hành khảo sát 6.582 doanh nghiệp cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp bán hàng trên các trang mạng xã hội có chiều hướng tăng dần, từ 28% năm 2015 lên 57% năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử cũng tăng từ 13% năm 2015 lên 22% năm 2021.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm các kênh kinh doanh khác nhau, theo kịp với xu hướng trong nước và thế giới. Dù không phát triển mạnh như thị trường thương mại điện tử B2C, thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) cùng dần phổ biến hơn.

Số doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua sàn thương mại điện tử tăng từ 13% năm 2018 lên 29% năm 2020. Hơn 88% doanh nghiệp được khảo sát xác nhận nhận đơn đặt hàng qua các ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động năm 2021 (so với 45% năm 2018).

Năm 2021, 18% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử phục vụ mục đích xuất nhập khẩu, trong đó nhóm doanh nghiệp lớn chiếm tỷ lệ cao hơn so với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (lần lượt là 32% và 17%). Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử và hóa đơn điện tử cũng tăng dần qua các năm.

Dự báo kinh tế số Việt Nam mạnh nhất khu vực Đông Nam Á

Google, Temasek và Bain & Company đã dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh nhất khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng được dự báo ở mức trung bình 31%/năm cho giai đoạn 2022-2025. Trong đó, thương mại điện tử tăng từ 5 tỷ USD năm 2019 lên 14 tỷ USD vào năm 2022 và dự báo có thể đạt 32 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng là 37%.

leftcenterrightdel
Xu hướng mua hàng online và giao hàng tận nơi phát triển mạnh

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng các doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng số đạt hơn 30%, vượt so với kế hoạch đặt ra là 30%. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP trong năm 2022 ước tính là hơn 14%, trong khi năm 2021 ước đạt hơn 12%; Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 70 nghìn doanh nghiệp, tăng gần 6,2 nghìn doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ 0,7 doanh nghiệp trên 1 nghìn dân.

Nghị quyết 01 của Chính phủ xác định năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới". Sớm hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Xây dựng và phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn - an ninh thông tin, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã.

Bước chuyển đổi ngoạn mục

Cũng theo đánh giá của Trung tâm Năng lực Cạnh tranh Kỹ thuật số Châu Âu (ECDC) năm 2021, Việt Nam có mức độ tiến bộ lớn nhất về tư duy chuyển đổi số ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Cụ thể, Việt Nam đã tăng 339 điểm, đạt mức cải thiện cao nhất trong cả 2 nhóm chỉ số (chỉ số hệ sinh thái tăng 139 điểm và chỉ số tư duy tăng 200 điểm). Xếp thứ hai là Trung Quốc, với mức tăng 211 điểm, trong đó hệ sinh thái tăng 81 điểm và tư duy tăng 130 điểm.

Hầu hết các nước cải thiện tốt mức độ tiến bộ về chuyển đổi số đều đặt ra những mục tiêu tham vọng và xây dựng các chương trình toàn diện để đạt được mục tiêu đó.

Việt Nam với mục tiêu có nền nền kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trung Quốc cũng đã ban hành chương trình Made in China 2025 và thực hiện thúc đẩy toàn diện tinh thần khởi nghiệp và đổi mới. 

Mục tiêu và tham vọng chúng ta đã có, việc còn lại hành động như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2022 của Bộ TT&TT rằng, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số, năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số, năm 2022 là tổng tiến công về chuyển đổi số còn năm 2023 sẽ là năm chuyển đổi số đem lại những giá trị thực chất.

Lan Anh (VNN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều