Chuyển đổi số ngành bán lẻ: 4 xu hướng nổi bật

Thứ ba, 01/11/2022 15:52
(ĐCSVN) - Với mục đích tăng sức cạnh tranh, tiếp cận khách hàng theo hướng đa chiều và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ đã từng bước thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, kinh doanh, góp phần cắt giảm chi phí vận hành, thủ tục nhanh chóng và chính xác, giúp gia tăng lợi nhuận cho các đơn vị.

Có thể nói, chuyển đổi số không chỉ trực tiếp giúp doanh nghiệp nắm bắt các trải nghiệm của khách hàng trên môi trường số để từ đó đem lại các trải nghiệm tốt hơn, công nghệ còn đang giúp các doanh nghiệp bán lẻ tối ưu hóa vận hành, dễ dàng quản lý hệ thống, phát triển đội ngũ nhân sự, đem lại năng suất lao động cao hơn giúp các nhà bán lẻ nâng cao khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh áp dụng trong quản lý bán hàng, công nghệ còn tạo ra sự liên kết dễ dàng giữa các dịch vụ doanh nghiệp với nhau, tạo thành các nền tảng win-win cho phát triển bền vững. Cùng với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ chuyển phát logistics, tất cả đem lại một trải nghiệm xuyên suốt, mượt mà dành cho người mua hàng. 

Sau đây là một vài xu hướng chuyển đổi số nổi bật dành cho lĩnh vực bán lẻ:

1. Chuyển dịch từ mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo mô hình chuỗi cung ứng sang tập trung vào khách hàng, theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu

Nikki Baird, Phó chủ tịch về Đổi mới bán lẻ (VP, retail innovation) của Aptos đã đưa đến một định nghĩa có tính cách mạng về Chuyển đổi số ngành bán lẻ trên tạp chí Forbes: “Chuyển đổi số trong bán lẻ là chuyển dịch từ mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo mô hình chuỗi cung ứng sang tập trung vào khách hàng, theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu”.

Định nghĩa này đã thực sự mở rộng cách chúng ta nhìn và tư duy vào cách vận hành hoạt động bán lẻ. Trước đây, một doanh nghiệp bán lẻ vận hành thuần túy bằng cách phân phối sản phẩm vật chất từ đơn vị sản xuất đến tay người tiêu dùng và tạo ra lợi nhuận bằng cách mua rẻ/bán đắt. Tuy nhiên, cách này vốn không thể tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

Cùng với sự dịch chuyển của thị trường và thói quen mới của người tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ chuyển sang cạnh tranh bằng cách tối ưu và mở rộng chuỗi giá trị tới khách hàng. Chiến lược này được chia thành 3 giai đoạn chính:

Thu thập dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, địa điểm bằng cách số hóa việc giao dịch với khách hàng (tư vấn online, bán hàng trên website, thanh toán online, lưu trữ dữ liệu khách hàng với CRM,...)

Tối ưu các khâu dựa trên insight từ dữ liệu: tối ưu quy trình xử lý đơn hàng, tối ưu quy trình vận chuyển giao nhận, tối ưu quy trình lưu-xuất kho,...

Thiết kế lại chuỗi giá trị và mô hình kinh doanh: mở rộng các dịch vụ mới nhằm gia tăng giá trị, kết hợp với các mô hình kinh doanh khác tạo thành hệ sinh thái,...

Trong một tương lai chuyển đổi số, dữ liệu chính là trung tâm cho sự phát triển. Với việc chuyển sang mô hình chuỗi giá trị số cùng trọng tâm là dữ liệu khách hàng, doanh nghiệp sẽ cạnh tranh nhau ở tốc độ và tính hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu, chuyển các dữ liệu đó thành các insight (hiểu biết hữu ích), rồi thành các hành động phù hợp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

leftcenterrightdel
 Công nghệ VR /AR giúp gia tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng
2. Tăng cường trải nghiệm khách hàng bằng công nghệ VR, AR

Theo một báo cáo từ Goldman Sachs, thị trường công nghệ VR (Virtual Reality - Thực tế ảo) và AR (Augmented Reality - Thực tế tăng cường) sẽ đạt 1.6 tỉ USD vào năm 2025. Hoạt động bán lẻ đứng top 5 lĩnh vực được ứng dụng VR/AR nhiều nhất trong năm 2018 theo Statista và khoản đầu tư cho công nghệ này trong bán lẻ được dự báo là sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. 

Khi trải nghiệm của khách hàng khi mua sắm càng được quan tâm, thì việc ứng dụng công nghệ VR/AR càng được các nhãn hàng chú trọng. Trong khi công nghệ AR có thể giúp khách hàng định hướng cũng như nhanh chóng truy cập nhiều thông tin về sản phẩm ngay trong gian hàng, thì công nghệ VR lại giúp khách hàng có thể có trải nghiệm “đi siêu thị” ngay khi đang ngồi trong gian phòng khách. Các công nghệ như AR/VR có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tìm kiếm, mua và bán đồ online. 

Không chỉ khiến trải nghiệm mua sắm của khách hàng trở nên thú vị hơn, các dữ liệu có được từ công nghệ này còn giúp ghi nhận thói quen mua sắm của khách hàng để tạo ra các trải nghiệm cá nhân hóa, đồng thời đem lại nhiều ý tưởng marketing mới cho doanh nghiệp. Nhiều đơn vị còn ứng dụng AR/VR trong đào tạo nhân viên mới, giảm thiểu số nhân viên vận hành cửa hàng. Một số lĩnh vực bán lẻ đang ứng dụng AR/VR nhiều nhất có thể kể đến là: mua sắm nội thất, thời trang, tạp phẩm, cùng các đơn vị đi đầu như IKEA, Walmart, Zara... 

leftcenterrightdel
Mua sắm online trở thành xu hướng tiêu dùng toàn cầu sau đại dịch Covid-19 

3. Phát triển những hình thức thanh toán tiện ích, hiệu quả hơn với khách hàng

Việt Nam là một thị trường thương mại điện tử năng động, với số người sử dụng Internet và điện thoại thông minh tăng trưởng nhanh qua các năm. Tuy hiện tại 80% các giao dịch thương mại điện tử vẫn theo hình thức COD (thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng), số lượng các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử tăng mạnh trong thời gian gần đây cùng nhiều sự cơi nới của môi trường pháp lý báo hiệu tiềm năng của hoạt động này. 

Việc giảm thiểu thanh toán tiền mặt có thể đem lại nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng và đơn vị bán lẻ. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể kết hợp với các đơn vị thanh toán để tung ra chương trình khuyến mãi, vừa khuyến khích mua sắm, vừa có lợi cho khách hàng. 

Đa số các nền tảng thương mại điện tử hiện tại như Tiki, Shopee, Lazada đều có tích hợp với dịch vụ thanh toán trực tuyến. Nếu đang chạy cửa hàng offline hay bán hàng qua website/facebook, doanh nghiệp cũng có thể dễ dàng phát triển nhiều hình thức thanh toán tiện ích như: thanh toán qua thẻ quốc tế, qua ví điện tử, chuyển khoản, quét mã, sử dụng thẻ tích điểm,... 

Thanh toán cũng là một trải nghiệm trong quá trình mua sắm, đừng đánh mất khách hàng  ở những giây phút cuối khi lẽ ra bạn có thể chinh phục họ. Một trải nghiệm thanh toán mượt mà, nhanh chóng sẽ giúp doanh nghiệp chinh phục được lòng tin của khách.

4. Tối ưu vận hành và nâng cao năng lực cộng tác giữa các phòng ban bằng các phần mềm quản trị

Bên cạnh các hoạt động thu hút, giữ chân khách hàng nhằm gia tăng doanh thu, giá trị của hoạt động chuyển đổi số còn nằm ở việc tối ưu hóa các khâu ở giữa nhằm tiết kiệm chi phí vận hành và rút ngắn tốc độ phản ứng trước thị trường. 

Trong một thị trường nhiều biến động, nhiều khi thắng thua nằm ở việc đơn vị nào phản ứng nhanh hơn và có thể thực thi các chiến lược nhanh chóng hơn.

Ví dụ như trong thời điểm dịch Covid-19 vừa rồi, đơn vị nào cũng có thể nhìn ra cơ hội khi đưa sản phẩm của mình lên môi trường số, cung cấp các dịch vụ giao hàng, thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, đâu mới là doanh nghiệp phản ứng nhanh nhất? Bách Hóa Xanh thuộc Tập đoàn Thế giới di động cấp tốc ra mắt dịch vụ đi chợ giùm khách ngay thời điểm TP Hồ Chí Minh bước vào chuỗi ngày cách ly xã hội. Cũng chỉ vài ngày sau khi quy định về cách ly xã hội chính thức có hiệu lực, chuỗi lẩu Kichi Kichi của Tập đoàn Golden Gate Group cũng tung ra mô hình lẩu online. 

Rõ ràng, những thay đổi đó chỉ có thể được thực thi kịp thời với một bộ máy tinh gọn, các quy trình cộng tác được tối ưu một cách khoa học, hạn chế tối đa ma sát giữa các bộ phận.   

Để làm được điều này, việc số hóa các quy trình, công việc và thông tin trong doanh nghiệp là việc vô cùng quan trọng. Nhờ có số hóa, quản lý doanh nghiệp có thể nhanh chóng nắm bắt được các dữ liệu về vận hành, từ đó phân tích, tối ưu. Rất nhiều doanh nghiệp muốn tối ưu hoạt động vận hành nhưng không biết bắt đầu từ đâu - khi đó việc đưa hoạt động lên môi trường số để thu thập dữ liệu chính là bước đầu tiên./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều