Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những nhiệm vụ "chưa từng có tiền lệ", từng đơn vị, từng cấp của tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang miệt mài, bền bỉ, sáng tạo cách làm hay, hiệu quả, tháo gỡ những "nút thắt", tạo "cú hích" truyền cảm hứng để triển khai thực hiện đề án…
Đa dạng cách thức làm căn cước công dân
Khi bắt đầu bước vào "chiến dịch" cấp căn cước công dân (CCCD), Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp, huy động lực lượng để thực hiện. Với phương châm "vừa chạy vừa xếp hàng", "dễ làm trước, khó làm sau", "trong cái khó, ló cái khôn", "đi từng ngõ, gõ từng nhà, mời từng người, tất cả khung giờ" để thực hiện. Từ thực tiễn, CBCS đã sáng tạo những cách làm phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa bàn.
|
Cán bộ Công an hướng dẫn bà Nguyễn Thị Lự (75 tuổi), ở xóm Thượng Hải, xã Thạch Hải ngâm tay trong đá để dễ lấy vân tay. |
Tại địa bàn huyện Thạch Hà, địa phương liên tục đứng vị trí tốp đầu của tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều "kiến tạo" trong cấp CCCD. Theo kinh nghiệm của lãnh đạo Công an huyện Thạch Hà đó là công tác chỉ huy, chỉ đạo phải sát, lựa chọn nhân lực phù hợp với năng lực sở trường tại từng khâu.
Do đặc thù của địa bàn có nhiều lao động làm nghề biển, nghề muối, lao động tự do, lao động nặng nên vân tay bị mờ, vân tay tổn thương, khó khăn trong việc thu nhận, lấy dấu vân tay, mất nhiều thời gian. Vì vậy, ngoài việc kiên trì thực hiện, Công an huyện Thạch Hà cũng đã áp dụng nhiều thủ thuật, biện pháp như hướng dẫn người dân ngâm tay vào nước đá, dùng phấn rôm, bột trapha khử mùi, máy sấy tóc để làm khô mồ hôi, vệ sinh tay sạch sẽ khi đi làm việc đồng về... nhằm đảm bảo thu thập được số lượng nhiều nhất có thể trong một ngày.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, có tấm hình CCCD sử dụng thời gian dài, lực lượng Công an đã chuẩn bị áo trắng phục vụ bà con, các loại dây buộc tóc khi chụp ảnh vừa đảm bảo yêu cầu công tác, vừa tạo hứng khởi cho công dân khi đi làm CCCD. Các trường hợp người già, người khuyết tật, lực lượng Công an đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, tất cả vì nhân dân phục vụ, làm hết việc chứ không hết giờ.
Ở địa bàn thị xã Kỳ Anh, còn gây xúc động cho người dân đó là bất ngờ tổ chức sinh nhật khi công dân tròn 14 tuổi làm CCCD. Hay Công an TP Hà Tĩnh và Công an các địa phương "xuyên Tết" cấp CCCD cho người dân, "làm hết việc chứ không hết giờ", "lì xì" cho công dân làm CCCD những ngày đầu Xuân mới, tạo một không khí làm CCCD rất riêng có trên địa bàn Hà Tĩnh.
Mới đây, bài thơ "chuyện kể Công an xã" đã gây sốt cộng đồng mạng, tác giả là Thượng úy Nguyễn Huy Triều, cán bộ Công an xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê; nhưng ít ai biết rằng, cảm hứng để anh sáng tác bài thơ đó là quãng nghỉ ngơi rất vội trong lúc đang thu thập dữ liệu để hoàn thành mục tiêu của Đề án 06. Những câu thơ chân thật và xúc động ấy đã viết ra rất tự nhiên trong "mùa căn cước" như thế.
Tạo "cú hích" từ xã Thạch Kênh
Triển khai nhiều cách làm phù hợp, sáng tạo cùng tinh thần làm việc không kể ngày đêm của cán bộ, chiến sĩ Công an đã đưa xã Thạch Kênh (Thạch Hà, Hà Tĩnh) trở thành 1/6 xã, phường đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân.
|
Hướng dẫn người dân cài đặt VNeID mọi lúc, mọi nơi |
Xã Thạch Kênh có 1.408 hộ với 5.603 người dân, trong đó có 4.303 người trên 14 tuổi. Số công dân có mặt tại địa phương đã thu nhận làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip là 4.063 người, đạt tỷ lệ 100%. 240 người còn lại chưa làm CCCD là những trường hợp đủ điều kiện nhưng hiện cư trú, học tập, lao động ở ngoài tỉnh và nước ngoài. Đại úy Nguyễn Chân Tiệp, Trưởng Công an xã Thạch Kênh cho biết, để có thể hoàn thành mục tiêu cấp CCCD gắn chip cho 100% công dân sớm nhất, đơn vị đã có kế hoạch làm việc cụ thể, lên phương án phù hợp với tình hình, thực tiễn địa phương đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Công an huyện, sự hướng dẫn của Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Thạch Hà và sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể.
Theo đó, công tác tuyên truyền được Công an xã Thạch Kênh chú trọng, đặc biệt trên hệ thống loa truyền thanh xã, thôn và trên nền tảng mạng xã hội. Qua đó, giúp người dân biết và hiểu rõ lợi ích khi làm CCCD gắn chip theo quy định; tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng là con em đang cư trú, học tập, lao động ở ngoại tỉnh đăng ký tạm trú và tiến hành làm thủ tục cấp CCCD tại nơi đăng ký tạm trú.
Công an xã cũng đã tham mưu UBND xã thành lập nhóm trò chuyện trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook với sự tham gia của toàn bộ người dân trên địa bàn để có thể vận động người dân đi làm CCCD và giải đáp các thắc mắc một cách nhanh chóng nhất. Mỗi đồng chí Công an xã phụ trách các thôn, xóm cũng thành lập một nhóm trò chuyện riêng với người dân để thuận tiện cho công tác tuyên truyền. Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà", lực lượng Công an xã đã tập trung điều tra cơ bản về từng người, từng hộ, từng tổ liên gia để lập danh sách rà soát, chia thành các nhóm đối tượng cụ thể để triển khai thực hiện.
Đối với các công dân sức khỏe bình thường nhưng chưa làm CCCD, thông qua việc điều tra cơ bản, CBCS Công an xã Thạch Kênh sẽ liên lạc qua số điện thoại hoặc hệ thống loa phát thanh để vận động, hướng dẫn người dân tới các địa điểm theo quy định để làm CCCD. Riêng các trường hợp có vấn đề về nhận thức, bệnh tật, người đã có tuổi, già yếu không thể đi lại thì lực lượng Công an sẽ tới tận nhà hỗ trợ công dân làm CCCD có gắn chip.
Thượng úy Nguyễn Hoàng, Phó Trưởng Công an xã Thạch Kênh chia sẻ: "Sau những ngày làm việc xuyên đêm, "quên ăn, quên nghỉ", dù công việc có vất vả, áp lực nhưng được sự ủng hộ, đồng tình và thấu hiểu của người dân là động lực để anh em CBCS vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao".
Những kết quả mà Công an xã Thạch Kênh đạt được đó chính là "cú hích" tạo động lực để lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh thi đua hoàn thành Đề án đúng tiến độ. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng để những người dân ở vùng thuần nông có công cụ trở thành công dân số trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Bền bỉ thực hiện mục tiêu
Với những biện pháp, cách làm hiệu quả và sáng tạo, đặc biệt là vai trò "truyền cảm hứng" của người đứng đầu các cấp, nhiều chỉ số trong thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số của tỉnh Hà Tĩnh hiện đang ở mức cao trên bình diện cả nước. Niềm tin vào công cuộc chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, công dân số được Tỉnh ủy, UBND, Công an tỉnh Hà Tĩnh, các cấp chính quyền, sở ngành "gieo" vào người dân, đã bước đầu gặt hái được những trái ngọt. Hiện nay, Hà Tĩnh đang là tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ kích hoạt tài khoản ĐDĐT và tỷ lệ công dân đã được cấp CCCD.
Đạt được kết quả trên, thời gian qua, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã nghiêm túc triển khai các kế hoạch của Bộ Công an trong thực hiện Đề án 06, thực hiện một cách bài bản, khoa học và căn cơ. Thường xuyên cập nhật, bổ sung dữ liệu dân cư, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống" và cấp căn cước gắn chip điện tử cho công dân, góp phần chuyển đổi số quốc gia, tạo điều kiện để nhân dân sớm được hưởng các tiện ích do thẻ căn cước mới mang lại. Triển khai hiệu quả các đợt cao điểm do Bộ phát động, ngoài ra, phát động các cuộc thi, kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, tạo động lực, niềm hứng khởi để toàn lực lượng vượt qua những khó khăn, vất vả, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, để người dân tin, làm theo, đam mê với chuyển đổi số, Công an Hà Tĩnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, phối hợp các ngành liên quan giải quyết thủ tục hành chính cho người dân luôn xác định chuyển đổi số đầu tiên. Khi người dân thực hiện những thủ tục hành chính trên môi trường số được thuận tiện, nhanh chóng, tiện ích, thì chính người dân sẽ là những tuyên truyền viên tích cực giúp lực lượng chức năng thêm lan tỏa Đề án 06, chuyển đổi số.
Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06 trên toàn địa bàn, Công an Hà Tĩnh đã triển khai cao điểm nước rút cấp CCCD gắn chip, tài khoản ĐDĐT. Kế hoạch được thực hiện từ ngày 27/3 đến ngày 20/6/2023. Công an Hà Tĩnh sẽ tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản về số công dân chưa được cấp CCCD; số công dân chưa được cấp tài khoản ĐDĐT; tập trung giải quyết hồ sơ đề nghị hủy, xác lập lại số định danh công dân. Công an các huyện, thành phố, thị xã lên phương án, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, thiết bị, phương tiện tổ chức thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện, hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp tổ chức thu nhận hồ sơ cấp tài khoản ĐDĐT, từ nay đến ngày 20/6/2023 hoàn thành thu nhận 600.000 tài khoản ĐDĐT mức độ 2 và phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành thu nhận 100% tài khoản ĐDĐT công dân đã được cấp