Đây là năm thứ 15 Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam được tổ chức thường niên tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết, kết quả từ khảo sát 135 tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam về công tác đảm bảo an toàn thông tin năm 2022 do VNISA thực hiện, cứ 4 tổ chức, doanh nghiệp thì có 1 đã từng gặp tình trạng bị gián đoạn hệ thống, dịch vụ bị tấn công mạng. Có đến 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại. Có tới 87% tổ chức, doanh nghiệp lo ngại về yếu tố con người, 58% đơn vị lo ngại về điểm yếu tố công nghệ và 47% lo sợ về lỗ hổng quy trình. Đặc biệt, 68% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin để đáp ứng yêu cầu hàng năm. Đặc biệt, các vụ tấn công mạng ở Việt Nam tăng mạnh trong 11 tháng đầu năm. Cụ thể, có tới 11.213 các cuộc tấn công được ghi nhận, tăng 44,2% so với cùng kì năm trước.
|
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Võ Việt |
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện chúng ta đang phải bảo vệ ít nhất hơn 3.000 hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, hơn 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, 100 triệu người dân. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ. Việc đảm bảo an toàn không gian mạng cho các tổ chức, cá nhân là trách nhiệm của tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Trung bình trong năm 2021, mỗi người dân Việt Nam dành khoảng 7 tiếng/ngày trên môi trường trực tuyến. Thời gian online của người dùng tăng nhanh nhưng nhận thức và kỹ năng, thói quen của mỗi người chưa theo kịp sự phát triển này. Vì vậy, vẫn còn tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, người dân bị lừa đảo trực tuyến.
Trong 11 tháng đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan liên quan ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, bảo vệ gần 4 triệu người dân, tương đương 6% người dùng trên internet. Tuy nhiên, vấn đề gốc rễ là làm sao để người dân chủ động bảo vệ mình trên không gian mạng cũng giống là bảo vệ tài sản của chính họ trong đời sống thực.
Vì vậy, việc nâng cao nhận thức an toàn thông tin mạng cho người dân sẽ là giải pháp căn cơ, lâu dài. Để làm được điều đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng công tác tuyên truyền phải đáp ứng 4 tiêu chí: rộng; thường xuyên, liên tục; dễ hiểu và cuối cùng là ấn tượng.
Ông Nguyễn Huy Dũng kêu gọi VNISA, các doanh nghiệp, cộng đồng an toàn an ninh mạng cùng chung tay đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tự chủ về công nghệ, sản phẩm phục vụ an toàn, an ninh mạng; đồng thời hy vọng, thông qua sự kiện này, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân sẽ có thêm sẽ có thêm nhận thức và hành trang để từ đó tự tin thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số nhanh hơn.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Võ Việt |
Chương trình hội thảo bao gồm phiên toàn thể buổi sáng với các báo cáo: Tổng quan về chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030; An toàn thông tin trong chuyển đổi số - thách thức và giải pháp; Giải pháp bảo mật dựa trên IOT phục vụ triển khai dịch vụ công trực tuyến; Nhận diện rủi ro và tài sản số của doanh nghiệp và nâng cao nhận thức của người dùng về ATTT; Kinh nghiệm triển khai giải pháp an toàn thông tin phục vụ người dùng; Đảm bảo an ninh tự động, tập trung cho ứng dụng trong kỷ nguyên số; Trải nghiệm số an toàn...
Trong Chương trình còn có tọa đàm "Vai trò của doanh nghiệp trong triển khai chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia" do TS. Vũ Quốc Thành - Phó Chủ tịch Tổng thư ký VNISA chủ trì; hai phiên chuyên đề buổi chiều và một hội thảo chuyên đề bảo vệ trẻ em online. Bên cạnh đó là khu vực triển lãm với hơn 30 gian hàng giới thiệu sản phẩm, công nghệ an toàn thông tin mạng của các công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam và thế giới.
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra lễ ký kết thành lập Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.
Trong dịp này, VNISA được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập hiệp hội.
Theo Cục An toàn thông tin, những doanh nghiệp tham gia Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.cần đáp ứng được một số tiêu chí như: là doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin; có lượng người dùng dịch vụ lớn tại Việt Nam; có nền tảng hạ tầng, sản phẩm đáp ứng các tiêu chí an toàn cho người dùng. Thời gian tới, Liên minh sẽ mở rộng để các doanh nghiệp có đủ năng lực cùng tham gia.
Liên minh có sứ mệnh thúc đẩy sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và phổ biến kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cho người dân khi tham gia sử dụng mạng. Từ đó, Liên minh giúp tạo dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, giảm thiểu sự cố mất an toàn thông tin và tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số.
|
./.