Thị trường Thực phẩm chức năng – kiểm soát sự “hỗn loạn” thế nào?

Thứ năm, 16/05/2024 22:58
(ĐCSVN) - Hiện thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) đang rất phát triển nhưng vô cùng hỗn loạn khi nhiều sản phẩm đang quảng cáo quá mức về công dụng. Thậm chí không ít loại là hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng được thổi phồng về công dụng để bán với giá cắt cổ, khiến người tiêu dùng hánh chịu thiệt hại lớn về sức khoẻ và kinh tế. Các cơ quan chức năng quản lý việc sản xuất, nhập khẩu, mua bán và quảng cáo của các cơ sở kinh doanh TPCN như thế nào?

 


Ma trận Thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng được quảng cáo có công dụng như thuốc chữa bệnh là vấn đề không mới, tuy nhiên, với sự bùng nổ của các phương tiện công nghệ thông tin, mạng xã hội, thời điểm hiện tại, người dân như lạc vào ma trận các loại sản phẩm được quảng cáo như “thần dược”.

Bất chấp những lời cảnh báo từ chuyên gia y tế, dư luận xã hội và các quyết định xử phạt từ cơ quan chức năng, vấn nạn quảng cáo thực phẩm chức năng sai công dụng, sự thật không chỉ bớt đi, mà thực tế là càng ngày càng được nâng cấp, tăng tần suất và hiện diện khắp thành thị tới nông thôn, vào từng nhà và trong từng chiếc điện thoại, máy tính người dùng.

Chỉ cần gõ từ khóa “thực phẩm chức năng” trong 0,55 giây đã cho ra hàng trăm triệu kết quả với đủ những loại thực phẩm được tung hô chất lượng cao, được sản xuất từ những cường quốc như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Không chỉ có vậy, trên mạng xã hội Zalo, đặc biệt là Facebook xuất hiện nhiều cá nhân, nhiều cửa hàng đưa sản phẩm thực phẩm chức năng để tung hô với những lời “có cánh” nhằm thu hút người mua. Thậm chí, họ còn quay những video, những đoạn hội thoại với khách hàng khen sản phẩm đưa lên Facebook để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Cơ quản quản lý nói gì?

Theo quy định hiện hành thì mặt hàng TPCN thuộc quản lý của Bộ Y tế. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược mỹ phẩm, TPCN, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý, giám sát địa bàn, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đối với nhóm sản phẩm này. Trong đó, TPCN được xác định là mặt hàng trọng tâm trong các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thường xuyên của lực lượng Quản lý thị trường Thành phố. 

Trong khoảng 5 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử lý 17 vụ vi phạm đối với mặt hàng TPCN, tạm giữ 12.222 đơn vị sản phẩm các loại nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá khoảng gần 500 triệu đồng; xử phạt với số tiền 216 triệu đồng và buộc tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá vi phạm. 

Tuy nhiên có những kết quả đáng kể trên, song theo Cục quản lý thị trường, quá trình thực hiện cũng có những khó khăn, vướng mắc như: Đối với nhiều mặt hàng TPCN giả hiện nay, khi phát hiện, bắt giữ cần được giám định trước khi xử lý nhưng một số sản phẩm không có mẫu hàng thật do nhiều mặt hàng không lưu hành ở Việt Nam hoặc không có đại diện sở hữu dẫn đến cơ quan chức năng không thể xử lý hình sự mà phải chuyển sang xử lý hành chính nên không đủ mang tính răn đe đối với người vi phạm. Cạnh đó, lợi dụng nhu cầu dùng TPCN của người dân cao, nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, TPCN giả, kém chất lượng trên trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn để đánh lừa người tiêu dùng làm cho cơ quan quản lý không quản lý được nội dụng quảng cáo nên không xác định được chủ thể quảng cáo và không có cơ sở để xử lý vi phạm.... Đây thực sự vẫn là bài toán nan giải đối với các cơ quan chức năng hiện nay./.

Mai Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực