Bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam

Chủ nhật, 11/06/2023 17:04
(ĐCSVN) – Sáng 10/6, tại Hà Nội, Viện Ứng dụng công nghệ VIPTAM (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức hội thảo Bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo "Bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam" ngày 10/6 ở Hà Nội. 

Tại hội thảo, Viện Ứng dụng công nghệ VIPTAM giới thiệu nền tảng mạng xã hội đa phương tiện V-done, đây là nền tảng ứng dụng công nghệ số tạo các công cụ đáp ứng các nhu cầu giải trí độc đáo của người Việt Nam với cộng đồng số đông đảo. Việc chuyển đổi số trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống là cần thiết, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Đồng thời góp phần tôn vinh, phát huy, lưu giữ và lan tỏa nghệ thuật truyền thống, đưa ra ứng dụng công nghệ mới, phương tiện truyền thông mới đến lĩnh vực trình diễn nghệ thuật cũng như lan tỏa văn hóa nghệ thuật của người dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch Viện Ứng dụng công nghệ VIPTAM cho hay, sau đại dịch, việc chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực phát triển rất nhanh, trong đó có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống. Vì thế, việc ứng dụng công nghệ trong thời đại 4.0 là cần thiết.

"Chúng ta phải xây dựng một đề án có tính văn hóa, đời sống. Trong đó sẽ giải đáp được những thắc mắc như: Bảo tồn như thế nào, phát triển ra sao, bên cạnh đó cần đưa các cuộc thi về nghệ thuật truyền thống như dân ca, bolero vào để thu hút giới trẻ. Đề án phải làm rõ được tầm quan trọng của việc đưa công nghệ số vào văn hóa nghệ thuật truyền thống, có nghiên cứu biện chứng, nhìn nhận vấn đề có sự tổng thể, toàn diện", ông Tuấn nêu ý kiến.

Ông Tuấn nói thêm, việc ứng dụng công nghệ số vào nghệ thuật truyền thống phải đi vào những kiến thức cụ thể, như có nền tảng công nghệ app  V-done của Viện ứng dụng công nghệ VIPTAM  (ứng dụng trên điện thoại) có thể bổ trợ, hỗ trợ ca sĩ, người yêu âm nhạc có thêm kiến thức về ngành, rồi việc lưu giữ các bài hát của cha ông làm sao. Phải biến tất cả những làn điệu, kiến thức thành dữ liệu số để lưu truyền cho các thế hệ sau.

Ông Tuấn chia sẻ thêm: "Nếu chúng ta không xác định được cộng đồng yêu nghệ thuật truyền thống trên không gian mạng là thiếu sót lớn. Vì thế, việc ứng dụng những công nghệ hiện đại là nghĩa vụ và trách nhiệm của nhiều người, chứ không chỉ riêng của chuyên gia nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống".

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch Viện Ứng dụng công nghệ VIPTAM phát biểu tại sự kiện. 

TS. Phạm Ngọc Minh (Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của Internet cùng với sự ra đời các nền tảng phát trực tuyến trên mạng xã hội: Spotify, Instagram, YouTube, Twitter, TikTok, Facebook... đã đặt ra cho ngành công nghiệp âm nhạc nhiều thách thức. Vì vậy, sự phát triển của công nghệ số sẽ tạo cho nghệ thuật nhiều cơ hội và thách thức mới.

“Việc ứng dụng nền tảng công nghệ số phục vụ công tác bảo tồn, phát triểnmột số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật Việt Nam sẽ góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân các vùng miền Việt Nam. Đồng thời, cũng tôn vinh, phát huy, lan tỏa nghệ thuật Bolero và dân ca Việt Nam trong đời sống cộng đồng  các dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập toàn cầu hiện nay”, TS. Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh.

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh, âm nhạc truyền thống Việt Nam mang màu sắc rất đặc trưng cũng như đa dạng về thể loại, âm thanh, lời ca cho đến biểu diễn. Việc duy bảo tồn và giữ gìn các thể loại âm nhạc truyền thống cũng góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Với một hệ thống kho tàng dân ca và bolero vô cùng phong phú, việc ứng dụng công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng để lưu trữ dữ liệu, quản lý và bảo tồn âm nhạc.

Việc ứng dụng nền tảng công nghệ số sẽ giúp mọi người am hiểu, yêu nghệ thuật dân ca, các tác phẩm, ca khúc dòng nhạc bolero và văn hóa của các vùng miền, từ đó tự tin thể hiện khả năng nghệ thuật của mình thông qua việc ứng dụng công nghệ để nâng cao đời sống tinh thần cũng như vật chất của chính mình trong cuộc sống.

Theo PGS. TS Phạm Duy Khuê, để tiếp tục triển khai tốt sự nghiệp bảo tồn  và phát triển dân ca, các cơ quan chức năng của Nhà nước, từ Trung ương đến cơ sở phải lãnh đạo và phối hợp, động viên nhân dân (các nghệ nhân và những người yêu thích, hiểu biết dân ca, các nhạc sĩ và những người làm âm nhạc) ở các địa phương cùng vào cuộc đào tạo đội ngũ nhân lực (có trình độ sơ - trung về âm nhạc, văn học dân gian, biên đạo những cuộc trình diễn đại chúng và lễ hội), biết vận dụng các thành  quả thích hợp của công nghệ 4.0 vào các công việc sưu tầm dân ca của mình.

Tổ chức, dàn dựng, biểu diễn các chương trình dân ca theo các dạng thức cổ truyền và các hình thức sân khấu hóa làm cho các làn điệu dân ca trở nên hay hơn. Vận dụng tối đa những biện pháp công nghệ 4.0 thích hợp cho việc thực hiện các dự án, đặc biệt là việc lưu trữ tổng hợp các làn điệu dân ca Việt Nam…./.

Loan Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều