Thực trạng khai thác thương mại sáng chế
Sáng chế đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới và phát triển. Bằng sáng chế không những thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Khai thác thương mại hợp lý loại tài sản trí tuệ này sẽ làm gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Khai thác thương mại sáng chế được đánh giá là một trong những công cụ quan trọng và là hướng đi chính cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bao gồm cả đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ số hay chuyển đổi số.
Những năm gần đây, Nhà nước ta đã dành sự quan tâm lớn đến việc khai thác thương mại đối với sáng chế. Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và một số luật chuyên ngành khác đã đưa ra các quy định pháp lý nhằm khuyến khích hoạt động này và đã mang lại những kết quả bước đầu. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã chú ý đến khai thác kết quả nghiên cứu, sáng chế để đổi mới công nghệ, bao gồm cả việc chủ động tìm kiếm các kết quả nghiên cứu, sáng chế phù hợp với yêu cầu đổi mới công nghệ của họ từ các trường đại học, viện nghiên cứu, hoặc từ các kênh trung gian như chợ công nghệ techmart, sàn giao dịch công nghệ địa phương.
|
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký sáng chế cũng như bằng sáng chế được cấp còn hạn chế; cầu nối giữa giới hàn lâm và doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động chuyển giao công nghệ vẫn còn yếu; hoạt động của các tổ chức trung gian làm dịch vụ hỗ trợ thương mại hóa sáng chế còn nhiều hạn chế. Do vậy, số lượng sáng chế được khai thác thương mại, chuyển giao còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chưa tham gia sâu vào nền kinh tế số và chưa đạt kết quả như định hướng phát triển chuyển đổi số của Chính phủ.
Theo Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ năm 2020, giai đoạn 2010-2020, số lượng sáng chế của người Việt Nam được bảo hộ tại Việt Nam là 970, số lượng giải pháp hữu ích là 1.319, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, đồng nghĩa là loại tài sản trí tuệ này chưa phát triển ở Việt Nam. Hơn nữa, tổng số bằng sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp của người Việt Nam chiếm tỷ lệ khá thấp so với tổng số văn bằng sáng chế/giải pháp hữu ích đã được cấp cho người nước ngoài: 2.289/18.630 = 12%.
Tương tự, hiện không có số liệu thống kê chính xác về số lượng sáng chế được chuyển nhượng quyền sở hữu cũng như số lượng sáng chế được chuyển giao quyền sử dụng tại Việt Nam. Về cơ bản, các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung các hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo ra sáng chế trong thời gian qua đã có những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng sáng chế chưa thực sự phát triển tại Việt Nam[1].
Số lượng hợp đồng chuyển nhượng thành công quyền sở hữu và li-xăng sáng chế đăng ký tại Cục SHTT giai đoạn 2010-2020 là 547; số hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích thành công là 44. Như vậy, tổng số hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu và hợp đồng li-xăng sáng chế/giải pháp hữu ích được thực hiện thành công mỗi năm trung bình cũng chỉ trong khoảng 22 - 106 hợp đồng, quá nhỏ so với tiềm năng.
Liên quan đến thực trạng định giá sáng chế xác định tài sản góp vốn, tài sản thế chấp, thực tiễn cho thấy, các ngân hàng Việt Nam khi cho vay đều đòi phải thế chấp tài sản có giá trị, chủ yếu là nhà, đất. Do vậy, việc đi vay vốn ngân hàng tại Việt Nam bằng hình thức thế chấp quyền sở hữu công nghệ (SHCN) đối với sáng chế gần như không xảy ra vì không có quy định cụ thể.
Xin dẫn lời của lãnh đạo Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (KHCN), Bộ KHCN để hiểu rõ thêm thực trạng này: “... có những công nghệ ở nước ngoài được bán tới vài triệu đô la thì ở Việt Nam bán cho nhau có khi chỉ vài trăm hoặc vài chục triệu đồng vì không đăng ký SHTT. Thực tế là do chưa có nhu cầu nên cũng không có nhiều tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp về đánh giá, xác định giá trị tài sản trí tuệ”[2].
Một trong những lý do quan trọng dẫn đến những bất cập trên là do các quy định pháp lý hiện hành còn chưa cụ thể nên chưa thể hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khai thác thương mại sáng chế như định hướng chính sách.
Vai trò của khai thác thương mại sáng chế đối với chuyển đổi số
Khai thác thương mại sáng chế có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy, thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số của quốc gia cũng như của các doanh nghiệp. Khai thác thương mại sáng chế liên quan đến công nghệ số tích cực sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ số, đổi mới công nghệ số tại Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền SHTT theo các chuẩn mực quốc tế, Nhà nước ta đã dành sự quan tâm lớn tới việc khai thác thương mại đối với sáng chế.
Pháp luật về SHTT và một số luật chuyên ngành khác đã có những quy định về việc Nhà nước khuyến khích chủ sở hữu khai thác thương mại đối với sáng chế; Nhà nước giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu tạo ra từ nguồn kinh phí của Nhà nước cho các tổ chức chủ trì, chủ yếu là các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ; Nhà nước cũng giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu đó cho tổ chức khác có khả năng khai thác thương mại, đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn bằng quyền SHCN đối với sáng chế để kinh doanh, thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...
Nhờ các quy định này, số lượng sáng chế đăng ký xác lập quyền SHCN đã tăng lên trong những năm qua, nhận thức về việc bảo hộ sáng chế cũng được cải thiện rõ rệt. Số lượng sáng chế được khai thác thương mại cũng có phần nhiều hơn trước thể hiện ở số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gia tăng[3].
Bất cập trong quy định hiện hành về khai thác thương mại sáng chế
Thứ nhất, bó hẹp quyền sử dụng sáng chế
Tự mình khai thác thương mại đối với sáng chế do mình tạo ra là hình thức được thể hiện nhiều tại các quốc gia phát triển, thể hiện nhiều nhất là qua việc mở các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bản chất pháp lý của hình thức này là chủ sở hữu thực hiện quyền năng căn bản nhất của mình là quyền năng sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế. Các quyền năng này đã được thể hiện trong Điều 123, Luật SHTT[4].
Điều 124, Luật SHTT quy định cụ thể về khái niệm sử dụng sáng chế là việc thực hiện các hành vi: a) Sản xuất sản phẩm được bảo hộ; b) Áp dụng quy trình được bảo hộ; c) Khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ; d) Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm quy định như trên; đ) Nhập khẩu sản phẩm quy định như trên.
Theo quan điểm của tác giả, các quy định pháp lý tại Điều 124, Luật SHTT là khá đầy đủ nhưng vẫn còn thiếu quy định về việc xuất khẩu sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ.
Thứ hai, chưa cụ thể hóa các quy định về nội dung hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế
Chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế theo quy định hiện hành bao gồm chuyển nhượng quyền SHCN - “bán đứt” đối với sáng chế (Điều 138, Luật SHTT) và chuyển giao quyền sử dụng - “cấp phép/li-xăng” sáng chế. Quy định này là phù hợp thông lệ quốc tế, theo quan điểm của WIPO[5].
Việc chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế một cách tự nguyện của chủ sở hữu cho người khác khai thác thương mại thường được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản theo khoản 2, Điều 138, Luật SHTT.
Theo Điều 140, Luật SHTT, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế phải có các nội dung chủ yếu: a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; b) Căn cứ chuyển nhượng; c) Giá chuyển nhượng; d) Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
Các quy định này còn chung chung, chưa được cụ thể hóa, nhất là những quy định pháp lý về giao dịch, trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Sự thiếu hụt các quy định chi tiết liên quan đến nội dung hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sáng chế dẫn đến việc khai thác thương mại sáng chế tại Việt Nam đã và đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Thứ ba, thủ tục đăng ký rườm rà đối với hợp đồng chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế
Ngoài điều kiện về hình thức và nội dung, để hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sáng chế có hiệu lực thì hợp đồng đó phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Điều 148, Luật SHTT. Việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bao gồm cả sáng chế có sử dụng ngân sách nhà nước còn được điều chỉnh chặt chẽ hơn bởi Thông tư số 15/2014/TT-BKHCN[6] của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Việc có những quy định về đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế là cần thiết khi Việt Nam thường là bên nhận sáng chế nhằm hạn chế tình trạng bên chuyển nhượng (tại quốc gia phát triển) áp đặt những điều kiện bất lợi cho bên nhận chuyển nhượng (tại quốc gia đang phát triển), chẳng hạn bằng những điều khoản bắt buộc như bên nhận phải mua kèm với sáng chế các nguyên vật liệu, các sản phẩm không cần thiết hoặc điều khoản hạn chế cách thức sử dụng sản phẩm...
Tuy nhiên, quy định pháp lý này vẫn tạo ra một số bất cập trong trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế là một bộ phận của hợp đồng khác, ví dụ như hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng mua bán thiết bị, hợp đồng chuyển giao công nghệ thì nội dung liên quan đến chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế phải được lập thành một phần riêng và phải đăng ký tại Cục SHTT theo hồ sơ, thủ tục và trình tự như luật định.
Ngoài ra, mọi sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, gia hạn hợp đồng chính phải được lập thành văn bản và phải được đăng ký như hợp đồng chính. Việc chuyển giao quyền của mỗi bên trong hợp đồng đã đăng ký cho bên thứ ba, ví dụ như thừa kế, sáp nhập... cũng phải được đăng ký. Tóm lại, bất kỳ việc chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế nào cũng đều phải lập thành hợp đồng độc lập, nếu là một phần của hợp đồng chính thì phải được lập tách rời hợp đồng chính và phải được đăng ký tại Cục SHTT nên cũng gây mất thời gian, tiền bạc của các bên giao kết hợp đồng.
Thứ tư, thiếu quy định cụ thể về hình thức thế chấp, góp vốn bằng quyền SHCN đối với sáng chế
Mặc dù pháp luật về SHTT và một số chuyên ngành khác như chuyển giao công nghệ, đầu tư, doanh nghiệp, giao dịch bảo đảm đã có quy định khuyến khích chủ sở hữu sáng chế thế chấp, góp vốn để kinh doanh bằng chính sáng chế của mình. Tuy nhiên, các quy định pháp lý cụ thể tại các văn bản pháp quy về SHTT và một số chuyên ngành khác nhằm khuyến khích việc này của các chủ sở hữu sáng chế vẫn còn bỏ ngỏ.
Hiện vẫn chưa có các quy định pháp lý chi tiết, đầy đủ về loại tài sản góp vốn (góp vốn bằng quyền sở hữu sáng chế và góp vốn bằng quyền sử dụng sáng chế); thủ tục thế chấp, góp vốn; hệ thống đăng ký tài sản thế chấp để bảo đảm quyền của bên nhận thế chấp, góp vốn, cơ chế, phương pháp định giá tài sản thế chấp, góp vốn trong khi nhu cầu thế chấp, góp vốn để kinh doanh bằng quyền SHCN đối với sáng chế ngày càng trở nên cấp thiết ở Việt Nam, nhất là trong giai đoạn phát triển nở rộ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như hiện nay.
Đề xuất - Kiến nghị
Khai thác thương mại sáng chế đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn phát triển hoạt động chuyển đổi số hiện nay, khi chúng ta đang tăng cường sức cạnh tranh, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Luật SHTT đang trong giai đoạn sửa đổi là rất cần thiết để đáp ứng tình hình mới. Để hoàn thiện pháp luật về khai thác thương mại sáng chế, đặc biệt là phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, thiết nghĩ cần chú ý các phương hướng sửa đổi như sau:
Một là, quy định cụ thể hơn nữa quyền sử dụng của chủ sở hữu sáng chế nhằm thực hiện chính sách của Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp KHCN, phát triển thị trường KHCN. Các quy định pháp lý hiện hành cần được bổ sung theo hướng cụ thể hóa hơn nữa quyền sử dụng, hay nói rộng hơn là quyền độc quyền của chủ sở hữu sáng chế vì đây chính là các căn cứ cho phép họ lựa chọn hình thức tự mình khai thác hoặc chuyển giao cho người khác khai thác dưới những hình thức khác nhau.
Hai là, cụ thể hóa các quy định về nội dung hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế. Bãi bỏ các hạn chế trong việc đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế do công tác quản lý, kiểm soát hoạt động chuyển giao quyền SHCN đối với sáng chế không tạo ra sự khuyến khích đầu tư, phát triển và đổi mới công nghệ tiên tiến theo đúng chủ trương của Việt Nam.
Ba là, cụ thể hóa hơn nữa các quy định pháp lý về định giá sáng chế; loại hình góp vốn, thế chấp bằng sáng chế; thủ tục thế chấp, góp vốn bằng sáng chế; hệ thống thế chấp, góp vốn bằng sáng chế./.
[1] Báo Đất Việt, Thương mại hóa sáng chế được bảo hộ tại Việt Nam rất hạn chế, bài phỏng vấn Cục trưởng Cục SHTT Việt Nam nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới tại trang web http://www.hotrotuvan.gov.vn/new-333.html, truy cập ngày 07 tháng 08 năm 2021.
[4] Theo Điều 123, Luật SHTT, chủ sở hữu đối tượng SHCN có các quyền tài sản sau đây:
a) Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng SHCN theo quy định về việc Sử dụng đối tượng SHCN và về việc Chuyển giao quyền SHCN của Luật SHTT;
b) Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng SHCN theo quy định về Quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng SHCN của Luật này;
c) Định đoạt đối tượng SHCN theo quy định tại Luật này.
[5] Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (2001), Cẩm nang Sở hữu trí tuệ: Chính sách, Pháp luật và Sử dụng, WIPO, trang 33 và 34.
[6] Thông tư số 15/2014/TT-BKHCN ngày 13/06/2014 quy định trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả NCKH và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
PGS.TS. Phan Quốc Nguyên, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Phạm Ngọc Minh, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam