Thí điểm xây dựng Quảng Điền là xã thông minh
Theo Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên – Huế, thực hiện chuyển đổi số cho khu vực nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 265/KH-UBND ngày 18/8/2021 về xây dựng mô hình “Xã Thông minh”. Hiện nay, địa phương đang triển khai thí điểm tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền.
Qua quá trình triển khai, đến nay, trên địa bàn xã Quảng Thọ đã đạt được một số kết quả bước đầu. Cụ thể, về hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã, đã đưa vào hoạt động phòng điều hành xã thông minh đáp ứng yêu cầu làm việc, trang bị thêm các thiết bị đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tiến hành nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cấp xã; nâng cấp đường truyền Internet của xã,…
Toàn xã hiện nay có 31 camera được kết nối vào hệ thống tại phòng điều hành xã thông minh phục vụ quan sát các điểm xung yếu, ngập lụt trong mùa mưa bão, cũng như những điểm trung tâm tại các thôn nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.
|
Chuyên mục Du khách trên Cổng thông tin điều hành xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế (Ảnh: B.T) |
Cùng với đó, xã đã triển khai các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền số theo tiêu chí “4 không 1 có”. Theo đó, UBND xã đã triển khai ứng dụng Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành trong toàn thể cán bộ, công chức xã; mọi hoạt động ban hành văn bản đi và thao tác xử lý văn bản đến đều được thực hiện trên phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành, 100% văn bản đi được ký số theo quy định. Hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công tập trung với phương châm “Thân thiện - đơn giản - đúng hẹn” được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Mặt khác, hệ thống internet đã phủ khắp các thôn trên địa bàn xã với 9 điểm Wifi công cộng trên địa bàn xã.
Về xây dựng Xã hội số, Phòng giám sát điều hành xã thông minh đã tích hợp dữ liệu của các hệ thống gồm: Hệ thống xử lý dịch vụ công tập trung nhằm theo dõi tình hình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính; hệ thống camera quan sát trên địa bàn xã quan sát tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; tích hợp kết quả thu được từ thiết bị quan trắc chất lượng không khí tại xã, thiết bị này cung cấp diễn biến chất lượng không khí và cảnh báo ô nhiễm không khí theo thời gian thực tại địa bàn xã Quảng Thọ.
Cùng với những công tác trên, trong thời gian qua, UBND xã đã chủ động phối hợp với các tổ chức tài chính, các đơn vị thanh toán trung gian tổ chức 7 đợt về địa bàn các thôn, nhà văn hóa xã để tạo tài khoản thanh toán trực tuyến, cho phép khách hàng từ mọi mạng di động sử dụng các tiện ích thanh toán, chuyển tiền, đầu tư, mua bảo hiểm... tiện lợi. Hiện nay, trên địa bàn xã Quảng Thọ đã có 1.065/1.959 hộ gia đình có tài khoản ngân hàng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet... Đồng thời, 100% cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách xã có tài khoản các ngân hàng khác và đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Về xây dựng Kinh tế số, xã đã chọn hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ II để xây dựng hệ thống hợp tác xã số kết hợp đẩy mạnh giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và hợp tác xã. Theo đó đã xây dựng và hoạt động thử nghiệm Website của hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ II nhằm quảng bá các sản phẩm mà hợp tác xã đang sản xuất, kinh doanh. Tiến hành đưa sản phẩm Trà rau má của hợp tác xã lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada,... Bên cạnh đó, quảng bá du lịch của xã bằng công nghệ mô hình hoá 3D và AR (thực tại ảo tăng cường) gắn với quảng bá và thương mại sản phẩm đặc hữu địa phương,…
Cần phù hợp với đời sống văn hóa cộng đồng tại nông thôn
Cùng với những kết quả ban đầu, việc triển khai xây dựng mô hình xã thông minh tại Quảng Thọ đã giúp địa phương nhận diện được một số vấn đề vướng mắc để tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp. Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Thừa Thiên - Huế, việc triển khai thí điểm xây dựng mô hình xã thông minh đã cho thấy một số khó khăn. Đó là việc áp dụng cùng lúc nhiều nền tảng số trên các lĩnh vực Chính phủ số, Xã hội số và Kinh tế số có thể dẫn đến việc “quá tải” cho bộ phận chính quyền cấp xã, trong khi đó nhân lực cho việc vận hành hệ thống chưa đáp ứng được nhu cầu.
Việc kết nối, chia sẻ các dữ liệu từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt. Sự quan tâm chỉ đạo công cuộc chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực chuyên môn còn chậm, thiếu sự chủ động phối hợp giữa các cơ quan đơn vị trong triển khai.
Đặc biệt, việc thí điểm xây dựng xã thông minh cũng cho thấy, một khi đã thực hiện chuyển đổi số toàn diện thì an toàn an ninh mạng là việc cần phải quan tâm đúng mức trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp.
Thực tế đó cho thấy, việc ứng dụng, chuyển đổi số cho cộng đồng nông thôn cần phải phù hợp với cách thức, đời sống văn hóa cộng đồng, tránh việc ứng dụng công nghệ làm “biến chất” sinh hoạt có tính cộng đồng ở nông thôn. Mặt khác, chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng kinh tế, thúc đẩy hội nhập, do đó, cần hình thành các hoạt động liên kết sâu rộng hơn thông qua việc chia sẻ thông tin sản xuất, sản phẩm từ đó để kết nối với người tiêu dùng và người thu mua mà không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm trên nền tảng online. Các thông tin dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực cần được công khai và cho phép người dân truy cập, đặc biệt là các thông tin liên quan đến sản xuất nông nghiệp như: thời tiết, giá cả, khuyến nông cần được cập nhật và chia sẻ đến người sản xuất một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, cần nhất quán trong việc sử dụng các nền tảng ứng dụng, tránh việc các địa phương đua nhau xây dựng ứng dụng, nền tảng riêng cho địa phương mình, làm lãng phí nguồn lực và khó khăn trong hoạt động kết nối sau này. Văn phòng điều phối nông thôn mới Thừa Thiên - Huế cho rằng, Trung ương cần sớm có cơ chế, chính sách hướng dẫn cụ thể cũng như bố trí nguồn lực để các địa phương sớm triển khai thực hiện, góp phần quan trọng để địa phương triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; và đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII đi vào cuộc sống./.