Chuyển đổi số tạo động lực mới cho nông nghiệp

Thứ sáu, 23/09/2022 08:12
(ĐCSVN) - "Nếu chuyển đổi số thành công, chắc chắn khối lượng, giá trị nông sản Việt Nam sẽ được nâng cao rất nhiều. Lợi thế và lợi ích kinh tế mang lại cho nông dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn".
Ứng dụng thiết bị IOT trong nông nghiệp đạt được hiệu quả cao 

Đây là nhận xét của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình chuyển đổi số nông nghiệp, tại Lễ ra mắt Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, quản lý mã số vùng trồng nông nghiệp.

Theo ông cho biết, bước đầu sẽ xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số nông nghiệp và nông thôn, đưa vào vận hành, bắt kịp những thay đổi của cách mạng 4.0. Qua đó nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam trong nước và quốc tế, "Việc hoàn thành và đưa "Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng" vào khai thác tiếp ngay sau "Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi" thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực lớn của ngành trong việc cam kết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp. Điều này góp phần thay đổi tư duy, cách thức quản lý mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

Ngay sau khi hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp từ các điểm cầu đã thực hành kết nối vào Hệ thống để đăng ký các thông tin về doanh nghiệp.

Được biết, hiện nay cả nước có trên 4,8 triệu ha diện tích cây lâu năm. Trong đó: Cây ăn quả: 1,17 triệu ha; Cây công nghiệp: 2,2 triệu ha. Diện tích canh tác lúa là 3,9 triệu ha. Diện tích trồng thanh long là gần 64,2 nghìn ha… Năm 2021, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt đạt 2,7%, tỷ trọng trồng trọt chiếm 44,6% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản từ trồng trọt đạt trên 21 tỷ USD năm 2021, tăng 13,5% so với năm 2020. Tính riêng 7 tháng năm 2022, trong tổng số gần 32,3 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản, thì nhóm nông sản xuất khẩu chính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng, như: cà phê đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 46,2%); gạo trên 2 tỷ USD (tăng 9,0%); hồ tiêu trên 661 triệu USD (tăng 11,7%); rau quả đạt trên 1,9 tỷ USD;  hạt điều ước đạt gần 1,8 tỷ USD… 

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay ở nhiều địa phương đã và đang hình thành vùng sản xuất với sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, các hợp tác xã với nhà máy chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm… trong đó, nhiều vùng đã được cấp mã số định danh để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản, như: Lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long; cà phê, chanh leo ở Tây Nguyên; thanh long ở Bình Thuận; nhãn, vải thiều ở Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La…

Triển khai chương trình kinh tế số

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức như việc triển khai còn manh mún, không đồng bộ, chủ yếu theo sáng kiến riêng lẻ của một số doanh nghiệp, địa phương, chưa có chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ số còn khiêm tốn, hiện tại cả nước mới có khoảng 2.200/ 19.000 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện, với gần 2% số hộ nông dân được đào tạo về công nghệ.

Để thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số Viet Lotus (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) Nguyễn Ðức Nhân đề xuất, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp với thực tiễn, chủ động đầu tư khoa học công nghệ với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất. Và trước hết phải hình thành được đội ngũ nông dân có thể áp dụng chuyển đổi số vào sản xuất.

Nói về lộ trình và quá trình chuyển đổi số của nông nghiệp Thủ đô, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và kế hoạch hằng năm. Các đơn vị trong ngành cần chủ động triển khai chương trình kinh tế số, từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Sở tiếp tục tham mưu với thành phố có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số.

Khẳng định, bằng chuyển đổi số, chúng ta sẽ xóa đi sự mù mờ trong sản xuất, kinh doanh nông sản, trước mắt, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý mã số vùng trồng, triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến (online). Mặt khác là đồng bộ hóa, tích hợp, liên thông dữ liệu của ngành Nông nghiệp…

Được biết, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức các đợt tập huấn cho nông dân nhằm nâng cao trình độ công nghệ thông tin, chuyển đổi số và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản. Từ đó, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận trực tiếp với khách hàng, tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu thị trường để tổ chức sản xuất hiệu quả.

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực