Doanh nghiệp chuyển đổi số đau đầu vì chất lượng nguồn nhân lực

Thứ sáu, 23/09/2022 08:12
Tại Diễn đàn Cách tân công nghiệp, nhiều chuyên gia đã nhất trí hiện chất lượng nguồn nhân lực trong nước chưa cao, là trở ngại lớn để chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh.
 Diễn đàn Cách tân công nghiệp

Chất lượng nhân lực chưa đáp ứng

Tại Diễn đàn Cách tân công nghiệp (Industry Innovation Forum - IIF 2022) với chủ đề “Sản xuất thông minh – Smart Manufacturing” do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM tổ chức mới đây, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư U&I cho rằng chuyển đổi số, xây dựng năng lực số là vấn đề thiết yếu của các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sản xuất thông minh. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay vẫn còn là vấn đề rất lớn, kể cả ở các đơn vị tư vấn chuyển đổi số. 

“Lý thuyết ai cũng đọc và hiểu được, nhưng với thực tiễn phức tạp, nơi mà chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất, giá thành, thu nhập của người lao động,… thì cần phải có những nhân sự có trách nhiệm, có trình độ”, ông Tín nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc tập đoàn Trường Hải (Thaco) chia sẻ kinh nghiệm: “Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất là xu hướng tất yếu giúp tăng năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng năng lực cạnh tranh. Nhưng chuyển đổi số luôn phải song song với phát triển nguồn nhân lực, thay đổi phương thức quản trị. Thay đổi quản trị để quản trị sự thay đổi, vì không thể nào công nghệ mới mà chúng ta có thể áp dụng phương pháp cũ cả”.

Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng chia sẻ câu chuyện thực tế từ năm 2019 khi ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất. Dù PNJ có một năm chuẩn bị với công ty tư vấn, nhưng khi ứng dụng vào thực tế, những công nhân kim hoàn vốn có tay nghề cao gặp lúng túng khi nhập dữ liệu lên máy tính dọc theo dây chuyền sản xuất. Có thời điểm hàng để trước mặt nhưng không thể nào xuất kho vì không có mã hàng do công nhân không nhập được dữ liệu, gây ách tắc nhiều công đoạn. PNJ đã chấp nhận giảm năng suất trong hơn 2 tháng để giải quyết từng khâu trong mô hình sản xuất mới chứ không “quay lại đường cũ”.

Ảnh minh họa 

Giải bài toán ra sao?

Trong năm 2021, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, đóng góp 5% tổng GDP cả nước. Năm 2021, Google, Temasek và Bain & Co. cũng dự báo quy mô nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 29% và đạt 57 tỷ USD đến năm 2025.

Trước tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, trình độ, trong khi chất lượng nguồn nhân lực có vấn đề, ông Mai Hữu Tín đã thẳng thắn: " Chúng ta vẫn luôn tự hào người Việt Nam giỏi giang, hạm học, vậy vấn đề này đến từ đâu? Giải được bài toán này sẽ đưa nền sản xuất công nghiệp Việt Nam đi xa”.

Ông Mai Hữu Tín: "Thế giới đang xoay chuyển theo hướng hình thành và phát trển tập trung vào bộ óc hơn là cơ bắp. Chỉ sản xuất không là đang tập trung vào cơ bắp, cần phải phát triển hơn bộ óc của mình” 

Bên cạnh phải xem lại việc đào tạo chất lượng nhân lực, theo các chuyên gia, không một doanh nghiệp nào, kể cả doanh nghiệp lớn nhất có thể nắm hết, biết hết tiến bộ trong ngành của mình hay tự mình tạo ra mọi việc. Vì vậy cần phát huy vai trò của hiệp hội ngành nghề, nơi phù hợp nhất để chia sẻ cách thực hành tốt, kinh nghiệm và nguồn lực để có thể tiếp cận công nghệ thông tin mới nhất, phục vụ việc chuyển đổi cũng mình và các hội viên. Đồng thời, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, trung tâm thúc đẩy chuyển đổi số,… nhằm hỗ trợ, tư vấn hướng chuyển đổi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Phạm Văn Tài, chính bởi vấn đề trên nên song hành với chuyển đổi số, Thaco cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực bằng cách liên kết, hỗ trợ các trường đại học trong nước, các dự án vườn ươm khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực trẻ… 

Bởi như PGS. TS. Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM khẳng định thì doanh nghiệp có thể nhập khẩu công nghệ nhưng không thể nhập khẩu đổi mới sáng tạo. Giải quyết được bài toán trình độ nhân lực sẽ là bước tiến lớn cho ngành công nghiệp Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến công nghệ, trung tâm R&D mới của thế giới.

baodautu.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều