|
Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến tìm hiểu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp tại Ngày hội Việc làm năm 2022 do trường tổ chức |
Vừa qua, trường ĐH Văn Hiến (TP HCM) phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM tổ chức hội thảo khoa học chủ đề "Cung và cầu lao động chất lượng cao cho thị trường các nước Đông Á trong giai đoạn chuyển đổi số: Thách thức và giải pháp đối với TP HCM". Hội thảo được Báo Người Lao Động bảo trợ thông tin.
Thị trường lao động nhiều biến động
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tìm ra những phương hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung nhằm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng lao động của các quốc gia tại thị trường Đông Á. Hội thảo thu hút 200 đại biểu là các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia đến từ các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp… tham dự.
Trước thềm hội thảo, ông Phạm Anh Thắng (Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, Trưởng cơ quan đại diện Bộ LĐ-TB-XH tại phía Nam) cho biết thị trường lao động trong những tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc khi dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt, người lao động đã và đang trở lại làm việc bình thường. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là nguồn cung lao động vẫn đang đặt ra một số vấn đề: cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.
Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, riêng trong quý I/2022 xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2%-3%; trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ, nhất là giai đoạn phục hồi, nhiều doanh nghiệp đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4; cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức chưa trở lại trạng thái trước khi có dịch bệnh và đang thiếu những động lực tích cực để thúc đẩy cho sự chuyển dịch mạnh mẽ số lao động phi chính thức sang chính thức; khả năng kết nối cung - cầu, giới thiệu việc làm cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Diễn biến của thị trường lao động tại TP HCM 2 năm vừa qua trước tác động của đại dịch Covid-19 cho thấy tầm quan trọng của thị trường lao động nói chung và chuỗi cung ứng lao động nói riêng. Nếu để đứt gãy thị trường lao động thì sẽ tốn rất nhiều thời gian khôi phục lại trạng thái bình thường. Để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới, TP HCM cần chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, qua đó có những giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Các chuyên gia nhận định những tác động mạnh mẽ và tiêu cực của dịch Covid-19 lên nhiều lĩnh vực và đời sống của xã hội, có ngành tăng trưởng nhưng có nhiều ngành sụt giảm nghiêm trọng, làm thay đổi cấu trúc lực lượng lao động, thay đổi quan điểm và phương pháp đào tạo nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi phải nắm được các xu hướng phát triển, thay đổi trong các lĩnh vực, ngành nghề, sự chuyển dịch cơ cấu lao động và các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn để có những phản ứng, sự thay đổi thích hợp, đưa ra các phương pháp tiếp cận, chương trình đào tạo thích ứng với sự thay đổi, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động lẫn người lao động.
Xu thế đổi mới, sáng tạo, đổi mới công nghệ, sự giảm thâm dụng lao động sẽ tác động mạnh mẽ lên cơ cấu lao động tại TP HCM. Do đó sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ lực lượng lao động theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ chuyên môn cao. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là tình trạng khan hiếm lao động có trình độ và kỹ năng, đặc biệt là lao động có năng lực đáp ứng yêu cầu cao của nhóm nghề ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp lại càng khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
TS Từ Minh Thiện - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo "Cung và cầu lao động chất lượng cao cho thị trường các nước Đông Á trong giai đoạn chuyển đổi số: Thách thức và giải pháp đối với TP HCM" - cho biết với nhiều nét tương đồng về các giá trị văn hóa, đồng thời cũng là thị trường với nền kinh tế phát triển hàng đầu trong khu vực châu Á, Đông Á luôn được đánh giá là thị trường lao động tiềm năng với nhiều cơ hội việc làm, có sức hút lớn không chỉ với Việt Nam mà nhiều quốc gia châu Á khác. Sự bùng nổ của nền kinh tế chuyển đổi số cùng những khó khăn kéo dài do khủng hoảng kinh tế sau đại dịch Covid-19 khiến sự cạnh tranh về cung cầu trên thị trường lao động tại các quốc gia Đông Á ngày càng tăng. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với lực lượng lao động tại Việt Nam, cụ thể là tại TP HCM - cần phải có các định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Đông Á.