|
Người dân làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chíp. |
Đó là thông tin được Công an TP Hà Nội cho biết liên quan đến việc thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06),
Theo Công an TP Hà Nội, để duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng đủ, sạch, sống" và thực hiện làm giàu thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, Công an Thành phố đã rà soát, làm sạch 3 cấp đối với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5%); thực hiện làm sạch" dữ liệu tiêm chủng COVID-19; rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin đối với 1.176 người hai quốc tịch, 85 người không quốc tịch, chưa ra soát được quốc tịch, người không có giấy tờ chứng minh, 1.564 người di cư, trẻ em là con lai giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài trên địa bàn vào hệ thống CSDLQG về dân cư.
Về công tác thu thập, cập nhật thông tin tiêm chủng, toàn Thành phố đã cập nhật được trên 13,5 triệu thông tin tiêm chủng.
Bên cạnh đó, Thành phố hiện đã có 4,4 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám chữa bệnh; có 503 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám chữa bệnh; gần 57.000 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Công tác cập nhật thông tin công dân diện chính sách và phối hợp với UBND cấp xã trong việc trợ cấp khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tính đến ngày 15/8/2022, toàn Thành phố đã cập nhật thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho gần 480.000 trường hợp.
Thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2022, kích hoạt thành công 6.220.864 tài khoản, trong đó, tài khoản định danh điện tử mức 2 là 2.337.702 tài khoản.
Trong thời gian tới, TP Hà Nội tập trung huy động sự vào cuộc và xác định lực lượng nòng cốt triển khai Đề án bước đầu là các Tổ công tác tại cấp thôn, bản, tổ dân phố. Thành phố chủ động triển khai các nhiệm vụ, chủ động đề xuất các giải pháp, phương án thay thế trong thời gian chờ sửa đổi, điều chỉnh các quy định, giải pháp kỹ thuật và đề nghị cho phép thực hiện thí điểm một số nội dung mới. Đồng thời tập trung cao điểm công tác tuyên truyền để người dân trên địa bàn đăng ký tài khoản định danh điện tử, sử dụng ứng dụng VneID và các dịch vụ công trực tuyến của thành phố - những lợi ích mà Đề án đem lại trong đời sống người dân.
Đồng thời với việc tuyên truyền Hà Nội triển khai các giải pháp để thúc đẩy công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến: Tham mưu HĐND TP sửa đổi Nghị quyết về phí và lệ phí theo hướng giảm hoặc miễn phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND TP đối với các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), hỗ trợ công dân 100% phí chuyển phát qua dịch vụ bưu chính công ích khi thực hiện các DVCTT. Chủ động triển khai việc hoàn thiện và xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của thành phố, đảm bảo việc tích hợp, kết nối và chia sẻ với CSDLQG về dân cư, Cổng dịch vụ công Quốc gia và các cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương.
UBND TP Hà Nội đề nghị Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai linh hoạt các giải pháp hiệu quả, cụ thể trách nhiệm đến từng đơn vị, cá nhân để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo Đề án 06 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu dân cư, làm cơ sở việc bình xét thi đua, khen thưởng cuối năm 2022.
Cùng với đó, UBND TP cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra tiến độ triển khai các nhiệm vụ, ưu tiên, tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ triển khai Đề án 06 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và UBND TP giao./.