Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học thông qua chuyển đổi số

Thứ sáu, 23/12/2022 08:07
(ĐCSVN) – Giám đốc ĐHQG-HCM, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, năm 2023, ĐHQG-HCM triển khai việc đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học thông qua chuyển đổi số trong toàn hệ thống và đa dạng hóa nguồn lực tài chính.

Chiều 22/12, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) tổ chức Hội nghị thường niên ĐHQG-HCM.

Hội nghị đã nghe Báo cáo tổng kết hoạt động ĐHQG-HCM năm 2022, Kế hoạch năm 2023 do PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM trình bày; các tham luận Định hướng hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong năm 2023…

Trong năm 2022, ĐHQG-HCM đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, chủ động đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị theo hướng tự chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị và hội nhập sâu rộng với nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới. Năm 2022, ĐHQG-HCM đã tích cực tham gia đóng góp cho các dự án luật trình tại các kỳ họp Quốc hội. Việc phối hợp với các trường, tổ chức giáo dục quốc tế được thực hiện có hiệu quả. 

 PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thiện Thông) 

ĐHQG-HCM hiện đang là cơ quan chủ quản của nhiều dự án quốc tế lớn với tổng kinh phí hơn 132 triệu USD. Đây là nguồn lực quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ cho Khu đô thị ĐHQG-HCM. 

Đến nay, ĐHQG-HCM đang dẫn đầu cả nước với 110 chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế; giữ vững top 801-1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới (QS World), đạt vị trí 167 các trường đại học xuất sắc châu Á (QS Asia). Đặc biệt ngành Kỹ thuật Dầu khí không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn đạt top 51-100 thế giới (QS Subject).  

Tại hội nghị, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, năm 2023, ĐHQG-HCM xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2025 và thực hiện rà soát, đánh giá giữa kỳ. Theo đó, ĐHQG-HCM sẽ thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học thông qua chuyển đổi số trong toàn hệ thống và đa dạng hóa nguồn lực tài chính.

Đối với quản trị đại học, ĐHQG-HCM sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á”, tiếp tục đổi mới cấu trúc quản trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả; từng bước hoàn thiện mô hình tự chủ đại học.

Về đào tạo, ĐHQG-HCM phát triển hệ thống học liệu số dùng chung trong giảng dạy và học tập; Xây dựng các khóa học trực tuyến trên nền tảng MOOCs; đồng bộ hệ thống quản lý đào tạo và tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo song bằng…

Đồng thời, ở lĩnh vực khoa học - công nghệ, ĐHQG-HCM xây dựng hệ thống đăng ký, quản lý đề tài, dữ liệu về khoa học công nghệ; tiếp tục thực hiện chiến lược nâng cao số lượng công bố quốc tế trong danh mục Scopus và triển khai hiệu quả các dự án quốc tế, chương trình, đề án nghiên cứu trọng điểm cấp quốc gia, các chương trình hợp tác với TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và các địa phương đã ký kết.

Đặc biệt, trong năm 2023, ĐHQG-HCM thành lập doanh nghiệp; hoàn thành quy chế tài chính, quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của ĐHQG-HCM; tiếp tục đa dạng hóa nguồn lực tài chính đại học và triển khai Dự án Phát triển các Đại học quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án ĐHQG-HCM do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Giám đốc ĐHQG-HCM khẳng định: “Với quyết tâm cao trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước và phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á như kỳ vọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động ĐHQG-HCM đoàn kết, cùng nhau cống hiến trí tuệ, tâm huyết đưa ĐHQG-HCM lên tầm cao mới và vững chắc trong hành trình vươn tầm thế giới”.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều