Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, tạo đột phá về phát triển du lịch ở Cô Tô

Thứ hai, 08/05/2023 10:54
(ĐCSVN) - Huyện Cô Tô đã xác định việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu, huyện Cô Tô đã tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt là hiệu quả của việc chuyển đổi số, tạo nên các bước đột phá và mang lại cơ hội cho ngành du lịch để du lịch Cô Tô phát triển nhanh và bền vững hơn.
Một góc huyện đảo Cô Tô ngày nay - Ảnh: Quang Thọ/Báo Nhân dân 

Phát huy tiềm năng "đảo ngọc" với nhiều giá trị đặc biệt

Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số tại huyện đảo Cô Tô, làm cơ sở để triển khai chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cô Tô được tỉnh Quảng Ninh lựa chọn để thí điểm chuyển đổi số với quy mô cấp huyện, tập trung vào 3 trục chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; thử nghiệm cung cấp các dịch vụ số trong nhiều lĩnh vực ưu tiên như y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, thông tin truyền thông... đặc biệt là du lịch với nhiều tiềm năng và lợi thế.

Huyện đảo Cô Tô là một quần đảo nằm ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh gồm trên 70 đảo lớn, nhỏ với nhiều địa danh, bãi tắm đẹp nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước. Ở Cô Tô cảnh quan đặc trưng còn nguyên sơ, vẻ đẹp riêng của bãi cát và những giá trị về mặt địa chất độc đáo. Tạo hóa của tự nhiên đã ban cho Cô Tô những bãi biển đẹp có những dải cát dài, thoải, sạch đẹp, nước trong, được đánh giá là có sức hấp dẫn nhất ở khu vực biển Đông vịnh Bắc Bộ và Đông Bắc Việt Nam.

Với tiềm năng du lịch biển đảo độc đáo, khác biệt, Cô Tô xác định dịch vụ, du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái biển đảo là ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển của huyện. Được coi là “viên ngọc quý” của vùng biển đảo Đông Bắc, huyện đảo Cô Tô có nhiều giá trị và tiềm năng to lớn để phát triển đa dạng loại hình du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cô Tô lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định “Phát huy lợi thế các ngành kinh tế biển gắn với phát triển mạnh dịch vụ du lịch; xây dựng Cô Tô trở thành huyện đảo nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân khá giả, trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao”. Đảng bộ, Chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và người dân trên huyện đảo đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động và mô hình thực tiễn nhằm hướng tới xây dựng và phát triển không gian du lịch huyện đảo đáp ứng yêu cầu vừa phát triển kinh tế- xã hội, bảo tồn đa dạng sinh học vừa đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, gìn giữ chủ quyền và quyền chủ quyền, biên giới, biển đảo.

Huyện đảo Cô Tô có vị trí chiến lược quan trong nằm trong vòng cung đảo gần bờ thuộc khu vực biển Đông Bắc của đất nước có nhiều lợi thế, tài nguyên và giá trị cảnh quan tự nhiên để phát triển du lịch. Trong đó, phải kể đến, Huyện đảo Cô Tô – nơi duy nhất trong cả nước được Bác cho phép kiến dựng tượng lúc sinh thời (năm 1962) và Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 93-QĐ/TTg, ngày 18/01/2022 của Thủ tướng chính phủ đã trở thành "Điểm thiêng" của huyện đảo, trở thành một dấu mốc lịch sử khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đem đến cho cư dân đảo niềm vinh dự, tự hào, niềm tin và quyết tâm bám biển.

Cùng với đó, Huyện đảo Cô Tô còn có Khu di tích Đồn Cao là nơi ghi lại chiến công anh dũng của Đại đội anh hùng Ký Con quyết tử bảo vệ chủ quyền biển đảo chống lại thực dân Pháp. Trạm Hải đăng Cô Tô – là 1 trong số hơn 30 “con mắt biển đêm” đang hoạt động trên khắp vùng lãnh hải Việt Nam. Nằm trên độ cao 101m và được đưa vào hoạt động vào năm 1962.

Các công trình văn hóa, tâm linh: Quần thể Trúc lâm Cô Tô; Quần thể Trúc lâm Đảo Trần; Nhà thờ Cô Tô; Nhà thờ Thanh Lân là những công trình có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân đảo tiền tiêu, cột mốc tâm linh trên vịnh Bắc Bộ. Đáng chú ý, ở Huyện đảo Cô Tô có cụm đảo Cô Tô- đảo Thanh Lân – đảo Trần bao quát vùng biển rộng lớn có thể kiểm tra, kiểm soát nhiều các tuyến đường thủy ra vào các bến cảng của Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên... Với địa hình thuận lợi cho phòng thủ (nhiều vũng vịnh, cửa biển, cao điểm, mũi đá, bến bãi...), đảo Thanh Lân có bờ mài mòn vũng vịnh phát triển, có sườn Đông hẹp và dốc cùng với các đảo nhỏ lân cận tạo thành căn cứ quân sự liên hoàn, trở thành lá chắn vững chắc bảo vệ lãnh hải và vùng nội thủy ven bờ, các cảng biển của Quảng Ninh - Hải Phòng.

Cô Tô còn giữ được vẻ nguyên sơ của môi trường sinh thái nước, với những bãi biển đẹp (Tình Yêu, Hồng Vàn, Vàn Chảy, Bắc Vàn, Cô Tô con, Cá chép, Bảy sao...). Thành phần các hạt chủ yếu là cát mịn và cát trung, cuội sỏi, trầm tích san hô, chiếm tỷ lệ nhỏ kết hợp với các đặc trưng về hải văn thuận lợi cho nền đáy, sóng, tốc độ dòng chảy, độ mặn rất thích hợp cho phát triển hoạt động du lịch tắm biển. Nằm ở vị trí ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, các bãi biển trên đảo Cô Tô còn có đặc điểm độc đáo là sườn ngầm khá sâu, hệ sinh thái san hô đa dạng, trong đó có những giống san hô quý hiếm như san hô đỏ, san hô sừng...

Sinh vật biển của vùng biển Cô Tô đa dạng và phong phú, thuộc chủng quần vịnh Bắc Bộ, có hầu hết các giống loài ở vịnh Bắc Bộ với hơn 200 loài thực vật phù du gồm 31 chi, 3 ngành tảo; gần 100 loài động vật phù du thuộc 2 giống của 4 nhóm vỏ giáp, chân chèo cùng đa dạng các loài động vật đáy...

Với vị trí địa chiến lược quan trọng trong việc gìn giữ và khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ Quốc, từ lâu huyện đảo Cô Tô đã lưu giữ và hình thành nhiều điểm di tích văn hóa - tinh thần thể hiện truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc và tinh thần đoàn kết, sự hy sinh, quật cường của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, nhân dân sẵn sàng bám biển bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Đặc biệt, sau năm 1979, cư dân Cô Tô hầu hết là dân “kinh tế mới” được quần tụ từ 14 tỉnh ven biển trong cả nước; với đa dạng quê quán, vùng miền khiến Cô Tô trở thành địa điểm giao thoa và tiếp biến văn hóa. Huyện đảo hình thành các xóm, cụm dân cư tập trung theo quê quán như người Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình... và đa số cư dân mang theo và duy trì nhiều nét văn hóa của cố hương. Sự đa dạng văn hóa với mẫu số chung là “văn hóa biển” đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của huyện đảo.

 Toàn cảnh Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cô Tô.

Với tiềm năng du lịch phong phú, du lịch của Cô Tô ngày càng khẳng định vai trò trong cơ cấu kinh tế huyện đảo. Năm 2015, tỷ trọng của ngành đứng thấp nhất chỉ chiếm 26,2% cơ cấu kinh tế và vươn lên vị trí thứ nhất trong cơ cấu ngành trong giai đoạn 2016-2021, đặc biệt năm 2022 chiếm trên 65% GRDP.

Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số

Hiện, Cô Tô đã phát triển các sản phẩm du lịch tham quan, tắm biển; du lịch khám phá, trải nghiệm làm ngư dân, câu cá, lặn biển; du lịch cộng đồng; du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh; du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Với định hướng phát triển nhất quán, du lịch Cô Tô đang có nhiều sự thay đổi và bước phát triển khả quan. Lượng khách du lịch tới Cô Tô có xu hướng gia tăng, năm 2022, Cô Tô đón gần 215.000 lượt du khách.

Ngày 1/4/2023, huyện đảo Cô Tô đã tổ chức Lễ Khai mạc du lịch Cô Tô 2023 với chủ đề “Cô Tô- Dấu ấn đảo xanh”, chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đã có 15.650 du khách lên đảo tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng tại các điểm và khu du lịch.

Nhằm đáp ứng cho nhu cầu của du khách nghỉ dưỡng và khám phá Cô Tô, trong những năm gần đây, Cô Tô đã chú trọng đầu tư xây dựng các tuyến đường thủy, đường bộ kết nối đất liền với huyện đảo và trung tâm đảo với các xã, đường trục xã nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương, đi lại của người dân và du khách. Các tuyến đường dẫn từ trung tâm thị trấn tới các điểm du lịch đã hoàn thành, phục vụ nhu cầu đi xe điện, xe máy của khách du lịch.

Nhờ sự thay đổi hạ tầng, Cô Tô cũng là một trong các địa phương tiên phong trong việc thay thế xe ô tô bằng xe điện. Hiện Cô Tô triển khai phương tiện phục vụ chở khách tham quan quanh đảo chủ yếu bằng xe điện, xe máy. Theo thống kê, phương tiện ở Cô Tô đáp ứng cho việc đi lại, tham quan trên 10.000 khách/ngày.

Đặc biệt nhất, hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống, vui chơi được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xếp hạng là 129 cơ sở với 1.985 phòng gồm: Khách sạn từ 1 sao đến 3 sao có 36 cơ sở với 1023 phòng; khách sạn 3 sao 4 cơ sở với 214 phòng; khách sạn 2 sao 12 cơ sở với 408 phòng; khách sạn 1 sao 20 cơ sở với 422 phòng; Khách sạn đủ tiêu chuẩn 02 cơ sở với 32 phòng; Nhà nghỉ 68 cơ sở với 783 phòng; Homestay 23 cơ sở với 147 phòng.

Huyện đảo Cô Tô ngày càng phát triển, xứng đáng là đảo Ngọc vùng Đông Bắc của Tổ quốc - Ảnh: Quang Thọ/Báo Nhân dân 

Cùng với đó, hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống trên đảo có quy mô phù hợp với số lượng nhà hàng, quán ăn khoảng 140 cơ sở phục vụ dịch vụ ăn uống đáp ứng cho 10.000 khách/ngày…

Với những hạ tầng thiết yếu quan trọng đã góp phần du lịch phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo ra sinh kế mới đem lại thu nhập tăng thêm, tạo việc làm, tiêu thụ tại chỗ các sản vật địa phương và nâng cao mức sống, chất lượng cuộc sống của dân cư tại Cô Tô.

Có thể thấy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch là rất lớn, huyện Cô Tô đã nhìn nhận và xác định việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu, huyện Cô Tô đã tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt là hiệu quả của việc chuyển đổi số, tạo nên các bước đột phá và mang lại cơ hội cho ngành du lịch để du lịch Cô Tô phát triển nhanh và bền vững hơn.

Cụ thể, Huyện đã xây dựng website phục vụ du lịch “Coto.gov.vn”, phủ sóng wifi miễn phí phục vụ du khách. Huyện đã đưa 107 cơ sở lưu trú, 35 nhà hàng và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác lên trang thông tin điện tử của huyện Cô Tô; đồng thời, thực hiện thí điểm gắn mã QR tra cứu thông tin các tuyến đường trọng điểm, dịch vụ, du lịch hỗ trợ người dân và du khách. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã xây dựng trang web cá nhân để tuyên truyền, quảng bá và bán sản phẩm du lịch trên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội.

Năm 2022, huyện Cô Tô đã nâng cấp trang thông tin điện tử của Cô Tô, bổ sung ứng dụng bản đồ số du lịch, số hóa thông tin các điểm du lịch, giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin các dịch vụ du lịch Cô Tô, liên hệ đặt dịch vụ trực tuyến. Huyện Cô Tô thực hiện thí điểm gắn mã QR tra cứu thông tin các tuyến đường trọng điểm, dịch vụ, du lịch hỗ trợ người dân và du khách. Mỗi tuyến đường sẽ cung cấp thông tin về lộ trình, địa điểm hiển thị cùng chiều dài toàn tuyến, lộ giới đường và tiểu sử về nhân vật, ngày tháng, ý nghĩa tên đường, tên phố, lý do đặt tên đường, tên phố bằng tiếng Việt và tiếng Anh, sử dụng công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói Text to speech.

Việc số hóa và gắn mã QR lên biển tên đường, tuyến phố góp phần tạo thêm điểm nhấn du lịch, giúp du khách sau khi dùng điện thoại thông minh quét sẽ biết được thông tin quy mô tuyến đường, tuyến phố, hiểu thêm các sự kiện, tiểu sử danh nhân, điểm tham quan di tích lịch sử, địa điểm du lịch gắn với quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện Cô Tô nói riêng. Ngoài ra, du khách có thể tìm kiếm thông tin về tuyến đường, tuyến phố, các điểm di tích, lịch sử, thông tin du lịch Cô Tô tại địa chỉ: https://cototourism.vn.

Đến nay, việc triển khai tiến hành chuyển đổi số trên địa bàn huyện Cô Tô đã cơ bản hoàn thành được nhiều hạng mục quan trọng, như: Xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành thông minh huyện Cô Tô, xây dựng hệ thống phần mềm IOC, phần mềm phản ánh hiện trường, App “Cô Tô Smart”; thực hiện tích hợp 18 camera tại Trung tâm Hành chính công và Trung tâm Thương mại dịch vụ Cô Tô lên hệ thống.

Thời gian tới, huyện Cô Tô sẽ tiếp tục gắn mã QR toàn bộ tuyến đường trên địa bàn huyện, thực hiện gắn mã QR thuyết minh tự động trên xe điện du lịch, xây dựng bản đồ số du lịch, số hóa thông tin toàn bộ tuyến, điểm du lịch, bãi tắm du lịch, các sản phẩm du lịch, các đặc sản mang thương hiệu Cô Tô...

Huyện đảo Cô Tô áp dụng giải pháp công nghệ Wifi Marketing vào việc tuyên truyền, quảng bá về các nguồn lực, tiềm năng, giá trị du lịch: Con người, văn hóa, sinh thái... Đảm bảo đường truyền wifi luôn ổn định, thống nhất nền tảng thiết bị công nghệ, có khả năng mở rộng và nâng cấp theo xu hướng.

Cùng với đó, vận dụng giải pháp công nghệ thông tin trên nền tảng mạng không gian (WEBGIS). Dữ liệu nền du lịch là địa hình, địa giới hành chính, thủy văn, giao thông, các điểm dân cư. Dữ liệu chuyên đề gồm đối tượng du lịch là khu di tích, điểm vui chơi, điểm tham quan và đối tượng phục vụ du lịch là khách sạn, nhà hàng, điểm bán hàng lưu niệm, chợ hải sản, bến cảng, hệ thống ngân hàng, y tế… trong khu vực huyện đảo. Thông tin về điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hóa, ẩm thực, đặc sản, dự báo thời tiết, các bài viết chuyên khảo về du lịch địa phương…

Du khách quét mã QR nghe thuyết minh tự động tại Di tích Quốc gia đặc biệt khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô - Ảnh: Cổng Thông tin tỉnh Quảng Ninh 

Huyện đảo Cô Tô sẽ làm mới các hình thức du lịch, trong đó tính đến phát triển du lịch thực tế ảo, sử dụng hình ảnh và các thước phim 3D, 4D để tái hiện các sự kiện lịch sử, mô hình hóa cảnh quan thiên nhiên…đưa lên internet, mạng xã hội hoặc trình chiếu tại các điểm du lịch giúp du khách dễ dàng khám phá hoặc tìm hiểu sâu về điểm đến.

Huyện đảo Cô Tô triển khai ứng dụng đồng bộ công nghệ số trong phát triển xây dựng nội dung, tự động cập nhật thông tin cho khách du lịch sau chuyến đi. Hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông để thực hiện truyền thông, quảng cáo qua giải pháp nhạc chờ, tin nhắn… Chuẩn hóa nội dung giới thiệu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu của địa phương, xây dựng bản đồ dữ liệu du lịch và phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh; thiết lập và hình thành nền tảng quản trị du lịch số từng bước chuyển sang mô hình Trung tâm điều hành du lịch điện tử theo hình thức thương mại điện tử, phân cấp lớp thông tin điều hành nhằm hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động dịch vụ, du lịch của huyện đảo.

Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch huyện đảo; xây dựng cơ chế vận động khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, đóng góp dữ liệu vào hệ thống dữ liệu chung để cùng khai thác. Đẩy mạnh việc tổ chức phát động các phong trào thi ảnh, đoạn phim, bài hát, tác phẩm văn học, bài viết, các hoạt động văn hóa thể thao… để cộng đồng tích cực tham gia vào quá trình chuẩn hóa dữ liệu.

Để chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu của đời sống, Huyện đảo Cô Tô xác định cần phải chuyển đổi nhận thức, văn hóa cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện. Trong đó, lấy người dân là trung tâm, trong đó điện thoại thông minh có kết nối internet là phương tiện chính để người dân tham gia vào thế giới số. Theo đó, thời gian tới, Huyện sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các ngành, doanh nghiệp liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và hướng dẫn cho Tổ công nghệ số cộng đồng triển khai thực hiện chuyển đổi số tiếp cận các ứng dụng số phục vụ thanh toán không tiền mặt, nền tảng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Mục tiêu trong giai đoạn 2025-2030, đại đa số người dân trên địa bàn huyện có thể truy cập tất cả thông tin trong nước và trên thế giới thông qua điện thoại di động thông minh…/.

 

TS Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy, Huyện Cô Tô, Quảng Ninh,
TS Đoàn Thị Thu Hương, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực
Tin đọc nhiều